'Nhật ký trên khóa sol' của nhà cổ nhân học

Cuối tuần qua, tại trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, 19 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức gặp mặt và giới thiệu cuốn sách 'Nhật ký trên khóa sol' của nhạc sĩ - nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường. Cuốn sách chứa đựng những tác phẩm, những kỷ niệm, những tâm sự, những tình cảm của bản bè với nhà khoa học - nhạc sĩ say mê nghiên cứu, sáng tác và chỉ huy biểu diễn.

Các thành viên gia đình chúc mừng nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường trong buổi ra mắt sách “Nhật ký trên khoa sol”.

Các thành viên gia đình chúc mừng nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường trong buổi ra mắt sách “Nhật ký trên khoa sol”.

Cuối tuần qua, tại trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, 19 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức gặp mặt và giới thiệu cuốn sách “Nhật ký trên khóa sol” của nhạc sĩ - nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường. Cuốn sách chứa đựng những tác phẩm, những kỷ niệm, những tâm sự, những tình cảm của bản bè với nhà khoa học - nhạc sĩ say mê nghiên cứu, sáng tác và chỉ huy biểu diễn.

Khoa học và âm nhạc “lồng ghép” trong một con người

Cuốn sách đã dành phần trang trọng tới 178 trang trong số 351 trang in khổ lớn để giới thiệu các tác phẩm do nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sáng tác và phối âm cho hợp xướng.

Con số 62 tác phẩm sáng tác được in cũng trùng với “tuổi nhạc” của ông - từ ca khúc đầu tiên Tiếng hát bản Mường được viết từ năm 1959 khi ông tròn 18 tuổi.

Chắc chắn, con số tác phẩm của ông chưa dừng lại và ông còn đang ấp ủ nhiều ý tưởng trong /cho tương lai. Trong 62 năm đó, ông đã có 14 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Tư pháp Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia… trao tặng.

Nhạc sĩ - PGS Khảo cổ học, chuyên gia cổ nhân học Nguyễn Lân Cường.

Công chúng đã được biết một nhà cổ nhân học nổi tiếng Nguyễn Lân Cường với hoạt động sôi nổi trên khắp các miền của đất nước trong lĩnh vực khảo cổ học - nhân học. Nay công chúng lại thấy “thêm” nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường say mê sáng tác và chỉ huy biểu diễn với sự nồng nhiệt đam mê trong lĩnh vực âm nhạc.

Một số công trình nghiên cứu của PGS Nguyễn Lân Cường.

Ông sinh ngày 23-12-1941, là con trai thứ trong gia đình NGND Nguyễn Lân nổi tiếng. Ông là người Việt Nam (cho đến nay là) duy nhất được học và học được phương pháp “Phục chế lại mặt theo xương sọ”, vẫn quen gọi là Phương pháp Gherasimov theo tên vị GS “chủ nhân” của phương pháp này, từ thời còn nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

PGS Nguyễn Lân Cường và cộng sự đã tu bổ thành công những pho tượng táng nhục thân các thiền sư ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), chùa Phật Tích và chùa Tiêu (Tiên Du, Bắc Ninh).

Một số đĩa CD giới thiệu các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

Ông “lăn xả” vào công việc, ở đâu có “di tích cổ nhân” là ở đó có Nguyễn Lân Cường. Khoản 800 hộp sọ cổ đã được ông nghiên cứu rồi tỷ mỉ ghép chắp, phục dựng. Các vấn đề giới tính, chủng tộc, nòi giống, tuổi tác, bệnh tật… được xác định rõ hơn, khoa học hơn. Phần lớn các tư liệu về cổ nhân ở Việt Nam được dẫn từ những nghiên cứu của PGS Nguyễn Lân Cường - như khẳng định của PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Các sáng tác của Nguyễn Lân Cường ghi dấu những kỷ niệm các chuyến công tác của ông và mang hơi thở nóng hổi từ cuộc đời. Ông đi điền dã, đi thám sát khai quật, đến các bản làng xa xôi và có những ca khúc “Bók Hồ sống mãi với lũ làng”, “Tiếng hát trên đèo Lũng Lô”, “Con thích làm nghề gì”,“Chú bộ đội cho em cái chữ”… Ông viết hợp xướng ba chương Bài ca địa chất, tự mình dàn dựng, chỉ huy và biểu diễn trước công chúng, vì thấy ngành địa chất đồng cảm với ngành khảo cổ như hai anh em, giống nhau bởi sự vất vả và cùng vỡ òa niềm vui khi phát hiện những điều mới từ lòng đất. Ông xúc động khi gặp một em ở cơ sở cai nghiện rồi về thức trọn đêm để viết ca khúc Về đi em… Tác phẩm này đoạt hai giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Sở Tư pháp Hà Nội.

Từ năm 1998, ông đã dự cảm và viết ca khúc Việt Nam chiến thắng để 10 năm sau được kịp thời cùng lúc phát ở bốn địa điểm khi đội tuyển Việt Nam giơ cao cúp vô địch AFF năm 2008. Bài hát này được gọi thân mật là “Hâm mộ ca” của các fan bóng đá nước nhà. Trong cơn lốc đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, ca khúc "Chiều nay nếu anh không về", phổ nhạc thơ Vũ Tuấn, được phát trên sóng truyền hình Hà Nội ngày 12-4-2020, ca ngợi các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã gây được nhiều xúc động trong lòng khán - thính giả. Trước cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được đẩy mạnh, ông hào hứng phổ nhạc "Lời tuyên thệ" của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết khi con trai tròn 20 tuổi được kết nạp Đảng.

Bước lên cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo

Các “bạn nhạc” nhận xét: “Chất” của Nguyễn Lân Cường hiện ra trong âm nhạc trẻ trung, yêu đời, lạc quan hướng về phía trước. Ông còn sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu dân ca của nhiều dân tộc, mộc mạc và có tính giáo dục cao với các ca khúc dành cho trẻ em. Bao trùm lên các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường là âm hưởng của nền nhạc mới được khai phá từ các thế hệ nhạc sĩ “đàn anh” như Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Văn Ký, Trần Hoàn…

Đĩa CD giới thiệu “Tiếng hát bản Mường” (1959) - ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

Nhạc sĩ - nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường khiêm tốn chia sẻ rằng ông nghĩ mình “chỉ là một viên đá cuội nhỏ nhoi” trong ngọn núi tác phẩm âm nhạc đồ sộ của nước nhà. Ông còn dự định hoàn thành bản giao hưởng về đề tài lịch sử “Nguyễn Trãi” trong những năm “hậu 80” của mình…

Tại buổi ra mắt cuốn sách “Nhật ký trên khóa sol”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gửi tới nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường lời chúc: “Trong âm nhạc có bảy nốt: đô - rê - mi - pha - sol - la - si và nốt thứ tám lại quay lại nôt đô nhưng đã cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của anh, từng bước, bước sau cao hơn bước trước và khi bước tới nốt thứ 8 là lúc anh đã đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo tuổi tám mươi của mình”. Đông đảo công chúng yêu nhạc cũng chúc ông như vậy.

THIÊN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/nhat-ky-tren-khoa-sol-cua-nha-co-nhan-hoc-641618/