Nhật ký lữ hành Argentina - P.11: Đến ngôi nhà của loài ngỗng biển

Bridges Island, hòn đảo được đặt theo tên của nhà truyền giáo đầu tiên người Anh Thomas Bridges, người bảo trợ của thổ dân Yamana và chủ nhân của trang trại cổ nhất vùng, Estancia Harbeton.

Tàu cập bến Bridges Island! Thoạt nhìn tôi đã tưởng đây là một đảo đá, không biết có con thú hay cái gì trên đó. Parmela dặn dò “ đi tay không và về tay không nhé”, mới biết đây là một hòn đảo có hệ sinh thái đệm - cushion plants - bản địa rất độc đáo, rất lâu đời, bằng cách nào đó không ai lý giải nổi đã tồn tại hàng ngàn năm trên mặt biển này, thậm chí còn lâu hơn nhiều so với những chủ nhân Yamana một thời của đảo.

Đi hết đoạn cầu gỗ nối tàu và bờ, đã thấy một chàng ngỗng trời cổ trắng cánh vằn đen tuyệt đẹp đứng đợi. Khi thấy tôi không có cái cổ nõn nà màu nâu của một nàng ngỗng, mà lại là một con quái vật hai chân đeo vật kỳ dị to đùng trên mắt và trên cổ, chàng nhìn tôi đầy khinh khỉnh. Ngoắt một cái, chàng nguẩy đuôi, biến mất vào đám cỏ bên đường. Chào đón “có tâm” ghê! Nhưng cũng nhờ “chàng ngỗng”, tôi biết mình đang ở trên một đảo cỏ đặc trưng Patagonia. Khi bước những bước đầu tiên trên đảo, tôi đã nghĩ rằng chỉ có đá và rêu. Nhưng khi cúi xuống và bước chậm hơn, thì là cả một thế giới cỏ hoa mở ra trong khối thảm xanh tròn thấp lè tè trên mặt đất. Cảm xúc từng có khi bước trên thảo nguyên cỏ mênh mông của Mông Cổ chợt ào về, xâm chiếm tôi mạnh mẽ. Bạn nào đã từng đọc chương Mông Cổ du ký trong cuốn sách “Đi như tờ giấy trắng” của tôi, sẽ hiểu tôi đang nói điều gì.

Trong từng centimet vuông có không biết bao nhiêu loài cỏ, xanh, vàng, trắng, những loài cỏ thân mềm, thân gai, cỏ liễu, cỏ mật, những loài cỏ ngắn, những loài hoa dại đủ màu, những bụi cây lá nhỏ đỏ tía, vàng sậm, vô vàn loài rêu không thể biết hết tên…chạy theo từng bước chân. Tựa hồ như tấm thảm đệm thực vật kia và những loài cỏ hoa đó là hóa thân mini của những cánh rừng hoang.

Nằm trong vùng bảo tồn, thảm đệm thực vật cushion plants trên đảo Bridges Island là một hiện tượng độc đáo, là hình ảnh thu nhỏ của đời sống thực vật vùng hạ Fuego. Những khối xanh tròn ấy dễ bị nhầm lẫn là đá phủ rêu. Chỉ khi sờ tay vào chúng, bạn mới cảm nhận được sự mềm mại và sức sống của loài thực vật đệm này. Chúng mọc rất chậm, một năm chỉ cao được khoảng 2,5cm. Bù lại chúng có thể tồn tại hàng thế kỷ và là vùng đệm cho các loài cỏ cây khác phát triển. Quả thật, tôi chưa từng chứng kiến những gì thuộc về thiên nhiên nhỏ bé mà can trường và đặc biệt đến vậy. Hương cỏ ngạt ngào hòa cùng vị mặn mòi của gió biển, mùi xạ khuẩn và ozon của không khí sau cơn mưa, làm nên hương của đảo nhỏ.

Những bụi cây Calafate còn sót lại vài trái tím trên cành gai, lá đang ngả vàng. Trên nền thảm đệm -cushion plants nổi lên những bụi cây lá bạc thật ấn tượng. Nhìn thoáng quá chúng thật giống loài hoa Edelweiss trong danh sách sắp tuyệt chủng tại châu Âu. Nhưng ở đây, loài lá dại ấy lấp lánh như những chấm phá đắt giá trong bức tranh đa sắc của cỏ hoa, rêu và đá. Bỗng nhớ lại những dòng thư pháp Thiền sư ban cho ở Huế năm xưa “Khi đi hãy nhìn xuống chân”. Lời của bậc cao tăng, càng đi càng thấm. Càng thấm càng thấy sâu. Nếu chỉ ham trời cao mây trắng, ta sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra những vẻ đẹp bình dị ẩn náu dưói chân mình. Và tôi hiểu, lời thày ban, không chỉ nói về những vẻ đẹp dưới chân.

Quay trở lại cầu tàu, tôi ghé lại túp lều nhỏ xem những di chỉ ít ỏi tìm thấy trên đảo về lịch sử cuộc sống của những chủ nhân Yamana xưa kia. Trên bãi biển đầy vỏ sò và đá cuội, mấy con vịt biển lông xám đang dò dẫm tìm đường về bờ. Nước đọng trên những chiếc mỏ tròn màu cam thành giọt, rơi theo từng bước chân. Nàng ngỗng trời có cái cổ lông nâu, dáng xoe tròn lạch bạch bước. Không biết hoàng tử ngỗng trắng có thấy ý trung nhân chưa? Tôi ngồi xuống bên chúng, bên bãi đá, bên những thảm đệm vàng rực, lặng ngắm những tia nắng chiều yếu ớt chiếu lên đỉnh núi băng bên kia vịnh biển.
Trong khoảnh khắc ấy, dường như Vô tận đã nằm lại trong lòng tay tôi.

Bài - ảnh: HS Trần Thùy Linh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/nhat-ky-lu-hanh-argentina-p11-den-ngoi-nha-cua-loai-ngong-bien-113695.html