Nhật không còn đồng điệu với Mỹ, Hàn trong vấn đề Triều Tiên

Trong khi Nhật Bản tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì 'sức ép tối đa' lên Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ lại có động thái mềm mỏng trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều đang đến gần, ba quốc gia Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc phải đối mặt với rạn nứt trong kế hoạch giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Theo South China Morning Post, ngày 2/6, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tiếp tục kêu gọi các nước duy trì “sức ép tối đa” lên Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, dù trước đó Tổng thống Donald Trump tuyên bố không nhắc tới cụm từ này.

“Ông Onodera lo ngại tuyên bố của ông Trump sẽ gửi thông điệp sai rằng cộng đồng quốc tế đang nhượng bộ Bình Nhưỡng”, một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Ba bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản gặp mặt tại Singapore. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong Moo lại có quan điểm khác. “Những nghi ngờ về động cơ của ông Kim Jong Un sẽ cản trở tiến triển (phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên)”, ông phát biểu ngay sau ông Onodera.

Nhật đã "gây tổn hại" tới các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Song nói.

Trong buổi gặp với trùm tình báo Triều Tiên Kim Yong Chol hôm 1/6, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngừng sử dụng cụm từ “gây sức ép tối đa”. Đây là chiến lược trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao của Mỹ dành cho Triều Tiên.

Japan Times dẫn một nguồn thạo tin cho hay chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giải thích tầm quan trọng của việc tạo áp lực lên Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 11/2016. "Ông Abe luôn cảm thấy tự hào vì đã thành công trong việc thúc đẩy Tổng thống Trump đưa ra chính sách cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên", nguồn tin cho biết.

Thủ tướng Abe đang đứng trước lựa chọn tiếp tục cứng rắn với Triều Tiên hoặc "theo chân" đồng minh Mỹ và trở nên mềm mỏng hơn. Ảnh: AFP.

Trước đó, Hàn Quốc đồng thời nhất trí tiếp tục gây áp lực tối đa cho đến khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể trong vấn đề giải trừ hạt nhân.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đáng kể trong vài tháng gần đây. Mỹ và Hàn Quốc dường như đang cẩn trọng, không muốn có bất cứ động thái nào gây tổn hại đến cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều mà họ tốn quá nhiều công sức.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae In trong tháng 3, ông cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump trong vài ngày tới.

Giới phân tích dự đoán ông Kim sẽ tiếp tục gặp Tổng thống Vladimir Putin trong tương lai không xa. Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ trở thành lãnh đạo duy nhất trong đàm phán sáu bên không đối thoại trực tiếp với Triều Tiên.

"Thủ tướng Abe có thể sẽ bị cho 'ra rìa'", đồng Chủ tịch đảng Dân chủ quốc dân Nhật Bản Yuichiro Tamaki cho biết.

90s: Thế giới 'chóng mặt' vì Kim - Trump 'chia tay rồi không chia tay' Thế giới lại một phen "chóng mặt" với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "hủy kèo" hội nghị thượng đỉnh nhưng chưa đầy 24 giờ đã đổi ý.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-khong-con-dong-dieu-voi-my-han-trong-van-de-trieu-tien-post848364.html