Nhật hoàng Naruhito: Tuổi thơ bình dị cùng tình yêu cổ tích

Tân Nhật hoàng Naruhito sẽ chính thức kế vị ngai vàng hoa cúc sau khi cha ông, Thiên hoàng Akihito, thoái vị hôm 30/4. Nhật hoàng Naruhito có tuổi thơ bình dị và câu chuyện tình yêu với thường dân như cổ tích.

Hoàng hậu Michiko rời bệnh viện cùng Tân Nhật hoàng Naruhito (lúc đó là hoàng tử Hiro). Ảnh: Mainichi

Hoàng hậu Michiko rời bệnh viện cùng Tân Nhật hoàng Naruhito (lúc đó là hoàng tử Hiro). Ảnh: Mainichi

Thời thơ ấu bình dị

Thái tử Naruhito, 59 tuổi, là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko và là người kế vị Ngai vàng Hoa cúc vào ngày 1/5, sau khi cha ông thoái vị vào ngày 30/4, đánh dấu sự kết thúc của triều đại Heisei (Bình Thành) và bắt đầu triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa).

Sau khi đăng quang, Thái tử Naruhito trở thành hoàng đế thứ 126 của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới. Ông cũng trở thành hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến II.

Ông sinh ngày 23/2/1960, một năm sau khi cha ông kết hôn với bà Michiko Shoda. Cái tên Naruhito trong tiếng Nhật được tạo thành từ hai chữ Hán theo tư tưởng Khổng tử có nghĩa là "người nhận khí chất từ trời cao".

Ngay từ khi còn nhỏ, Nhật hoàng Naruhito đã được cha định hướng trở thành một con người hiện đại, đủ phù hợp để theo kịp với vị trí Nhật hoàng trong bối cảnh Nhật Bản đang không ngừng phát triển mỗi ngày.

Ảnh chụp Tân Nhật hoàng Naruhito lúc 5 tháng tuổi. Ảnh do Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản cung cấp

Bà Michiko phá vỡ truyền thống, quyết định tự nuôi dạy con nên ông Naruhito cùng các em mình sống chung với gia đình.

Theo truyền thống hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được gửi tới cho bảo mẫu chăm sóc tại nhà trẻ hoàng gia. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko quyết định phá vỡ truyền thống ấy, tự tay nuôi dưỡng và chung sống cùng các con dưới một mái nhà.

Nhật hoàng Naruhito từng theo học tại Gakushuin, hệ thống trường được thành lập từ thế kỷ 19 dành cho thành viên gia đình quý tộc, bao gồm tất cả cấp học từ mầm non cho đến đại học.

Nhật hoàng Naruhito và hoàng tử Fumihiro năm 1972.

Theo cuốn sách có tựa đề "Naruchan Kenpo" (Hiến pháp bé Naru) nói về phương pháp nuôi dạy con của Hoàng hậu Michiko, bà luôn cố gắng để con được lớn lên và phát triển một cách bình thường nhất có thể. Sau khi đăng ký cho Thái tử Naruhito vào trường tiểu học, bà đã rất hoảng hốt khi con thiếu trải nghiệm so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì vậy, bà đã mời tất cả các bạn cùng lớp của con tới cung điện theo từng nhóm 3-4 người trong suốt 1 năm học để Thái tử Naruhito có thể hiểu được tầm quan trọng của tình bạn.

Kiyokazu Kanze, bạn học cũ của Thái tử tại trường Gakushuin từ thời tiểu học đến trung học kể lại kỷ niệm thời thơ ấu với ông. Trong một chuyến đi thực tế với nhóm bạn cùng lớp, một người bạn đã không đến điểm hẹn đúng giờ khiến Thái tử và những người khác phải chờ. Sau 15 phút, một người đề nghị cả nhóm khởi hành tới điểm đến tiếp theo nhưng Thái tử vẫn kiên nhẫn, nói rằng hãy đợi cậu bạn kia thêm 5 phút nữa. Khi cậu bé kia cuối cùng cũng xuất hiện, Thái tử không hề tỏ ra tức giận mà chỉ nở nụ cười chào đón người bạn tới trễ.

"Là một người bạn thời thơ ấu của Thái tử, tôi tin rằng ông ấy sẽ bình tĩnh kế vị và vẫn giữ những đức tính vốn có của mình – kiên nhẫn và cảm thông cho mọi người", ông Kanze nói.

Thái tử Naruhito trong Lễ thành nhân đánh dấu tuổi 20 ngày 23/2/1980. Ảnh do Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản cung cấp

Năm 1978, Thái tử học chuyên ngành lịch sử của Đại học Gakushuin. Trước khi tốt nghiệp năm 1982, ông viết luận văn về giao thông đường thủy thời kỳ trung cổ tại khu vực phía tây Nhật Bản.

Năm 1983, ở tuổi 23, Thái tử Naruhito bắt đầu chương trình 2 năm tại Đại học Oxford (Anh), nơi ông có khoảng thời gian hiếm hoi tách khỏi cuộc sống hoàng gia khép kín, ngột ngạt. Trong cuốn sách xuất bản năm 1993 của mình, ông đã mô tả khoảng thời gian này là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời mình.

Luận văn nghiên cứu của ông viết về lịch sử giao thông trên sông Thames. Ông được Đại học Oxford trao bằng danh dự tiến sĩ luật năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992 và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin.

"Tôi có hứng thú với các con đường ngay từ khi còn nhỏ. Vì tôi ít có cơ hội thoải mái ra ngoài, những con đường là cầu nối quý giá đến thế giới chưa được khám phá", ông nói.

Hoàng tử Naruhito ném bóng trong nghi thức mở màn tại Giải vô địch bóng chày trường trung học quốc gia tại sân vận động Hanshin Koshien ở thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo, vào ngày 8/8/1988. Ảnh: Mainichi

Naruhito chính thức trở thành Thái tử sau khi ông nội ông là Nhật hoàng Hirohito băng hà vào năm 1989. Dù từng đặt mục tiêu lập gia đình trước 30 tuổi, đến tháng 6/1993, khi 33 tuổi, ông Naruhito mới kết hôn với bà Masako Owada, người theo ngành ngoại giao lớn lên tại Moskva và New York.

Thái tử mới Naruhito chào đón Quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos và Nữ hoàng Sofia khi họ đến sân bay Haneda vào ngày 22/2/1989 để tham dự lễ tang của Nhật hoàng Hirohito. Ảnh: Mainichi

"Anh sẽ bảo vệ em suốt đời”

Giống như cha mình – Nhật hoàng Akihito, Thái tử Naruhito cũng phá vỡ quy tắc hoàng gia, dành trọn trái tim mình cho một người con gái xinh đẹp, học vấn xuất chúng, dù xuất thân danh giá nhưng vẫn là thường dân. Đó là Masako Owada – một nhà ngoại giao tốt nghiệp hạng ưu Đại học Harvard, có thể nói 6 ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Ảnh: AP

Thái tử Naruhito được công chúng Nhật Bản nhớ đến với tình yêu mãnh liệt dành cho Công nương Masako – người từng 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử và chỉ gật đầu nhận lời cầu hôn thứ ba với lời hứa "anh sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình".

Tân Hoàng hậu Masako, người từng theo học trường Harvard hứa hẹn trở thành một nhà ngoại giao, đã gặp gỡ chồng tại một tiệc trà hồi năm 1986. Nhật Hoàng Naruhito đã chờ đợi Hoàng hậu Masako 7 năm khi bà đang học tại đai học Oxford nhưng ông bị từ chối 2 lần. Đến lần thứ 3, bà Masako đã chấp nhận lời cầu hôn của Nhật Hoàng Naruhito và cả hai kết hôn vào năm 1993.

Đám cưới cổ tích của cặp đôi hoàng gia diễn ra vào 9/6/1993. Ảnh: Mainichi/Jun Sekiguchi

Sau đám cưới cổ tích của cặp đôi hoàng gia, họ sinh hạ Công chúa Aiko vào năm 2001.

Dù được vun đắp bằng tình yêu ngọt ngào nhưng cuộc hôn nhân của Thái tử Naruhito vẫn vấp phải vô vàn chông gai khi Công nương Masako phải vật lộn với áp lực sinh con trai, bởi Hoàng gia Nhật quy định con gái không được phép thừa kế ngai vàng.

Cuộc sống căng thẳng trong hoàng gia cũng khiến bà bị chẩn đoán mắc chứng "rối loạn điều chỉnh" (không có khả năng điều chỉnh với cuộc sống căng thẳng) và "đau đầu, chóng mặt". Bà được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Công chúa Aiko trèo cây trong khi được Thái tử Naruhito và Công nương Masako hỗ trợ tại dinh thự của họ trong Cung điện Togu vào ngày 17/11/2004. Ảnh do Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản cung cấp

Đúng như lời hứa năm xưa, Thái tử Naruhito luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ bà Masako khi bà chịu nhiều sức ép từ dư luận do vắng mặt ở các sự kiện chính thức. Năm 2004, Thái tử Naruhito khiến cả nước Nhật rung chuyển khi chỉ trích Cơ quan Nội chính Hoàng gia vì giảm bớt các chuyến đi nước ngoài của Công nương Masako nhằm để bà tập trung vào việc sinh quý tử, từ đó chối bỏ "sự nghiệp và tính cách" của bà.

"Công nương Masako, người từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để làm dâu hoàng gia, đã rất đau khổ khi không được phép ra nước ngoài suốt một thời gian dài", Thái tử Naruhito nói trong một cuộc họp báo vào ngày 10/5/2004. "Cô ấy đã nỗ lực thích nghi với môi trường hoàng gia suốt 10 năm qua, điều đó khiến cô ấy kiệt sức".

Thái tử Naruhito và Công nương Masako thăm Công viên quốc gia Fiordland, New Zealand vào ngày 15/12/2002.

Thái tử Naruhito, Công nương Masako và Công chúa Aiko đến trạm xe buýt Kamikochi, nơi tổ chức ngày lễ Ngày của núi đầu tiên, tại thành phố Matsumoto, tỉnh Nagano, vào ngày 11/8/2016.

Thái tử đặc biệt quan tâm đến thủy lợi, bảo tồn nước và đã có những bài phát biểu về vấn đề này ở các diễn đàn lớn. Ông là chủ tịch danh dự của Ban cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về nước và vệ sinh tháng 11/2007 - 12/2015.

Thời gian rảnh, ông thích leo núi, đi bộ, chơi tennis và trượt tuyết. Ông cũng chơi đàn viola và từng biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng thời đại học.

Trong xã hội Nhật, vị trí của Nhật hoàng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chứ không có quyền lực chính trị. Một cuộc thăm dò của NHK cho thấy đa số người dân Nhật có cái nhìn thiện cảm hoặc kính trọng Nhật hoàng.

Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako cũng rất quan tâm đến cuộc sống của người dân. Tháng 6/2011, ba tháng sau khi động đất và sóng thần tàn phá vùng Tohoku, hai người đã đến thăm Miyagi, một trong ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong những tháng tiếp theo, Thái tử và Thái tử phi đến thăm hai tỉnh chịu ảnh hưởng khác là Fukushima và Iwate. Sau đó, gần như năm nào họ cũng thăm lại vùng Tohoku.

Các chuyến đi này cho thấy Thái tử muốn noi gương cha mẹ mình, những người được ca ngợi vì luôn gần gũi với công chúng và thường đến thăm những người sống sót sau thảm họa.

Trong hơn 30 năm qua, Thái tử liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị vua lý tưởng: "một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng".

Thái tử Naruhito và Công nương Masako trò chuyện với người sống sót thảm họa động đất và sóng thần ở Miyagi tháng 6/2011. Ảnh: Japan Times.

Ngày 1/5: Lễ Đăng cơ (dự kiến 10 giờ 30 phút – 10 giờ 40 phút theo giờ địa phương).

Đây là giai đoạn lên ngôi đầu tiên của tân Nhật hoàng Naruhito. Quốc Ấn, bảo kiếm và Quốc ngọc sẽ được đặt lên bàn trước mặt tân Nhật hoàng chứng minh cho sự kế vị hợp pháp.

Buổi lễ sẽ diện ra trước sự chứng kiến của các nam nhân trong hoàng tộc và các đại diện của chính phủ, bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe và nội các.

Nghi thức không có sự tham gia của các thành viên Hoàng tộc là nữ. Tuy nhiên, trong lần kế vị này, bà Satsuki Katayama, nữ bộ trưởng duy nhất trong nội các của Thủ tướng Abe, sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử hiện đại tham dự nghi thức.

Tân Nhật hoàng sẽ mặc một bộ vest đuôi dài kiểu phương Tây. Sau nghi thức kế vị, Nhật hoàng Naruhito sẽ có bài phát biểu đầu tiên với tư cách Nhật hoàng tại phòng Matsu-no-Ma, thể hiện mục tiêu và hy vọng trong triều đại mới Lệnh Hòa.

Ngày 4/5: Tân Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ có buổi xuất hiện đầu tiên trước công chúng, chào hỏi người dân tập trung trước Cung điện Hoàng gia. Cả hai sẽ có 6 lần xuất hiện trong ngày, bắt đầu từ 10 giờ (giờ địa phương).

Ngày 22/10: Lễ lên ngôi

Tân Nhật hoàng Naruhito sẽ chính thức lên ngôi trước sự chứng kiến của các quan chức đến từ hơn 200 quốc gia.

Giống như Thiên hoàng Akihito, Nhật hoàng Naruhito có thể cũng sẽ mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản. Ngài sẽ bước lên ngai Takamikura, ngồi xuống một chiếc ghế lót chiếu tatami. Sau đó, tân Nhật hoàng sẽ đứng lên khi bức màn được vén lên để tuyên bố sự kế vị của mình với cả thế giới.

Ngày 14 đến 15/11: Lễ Daijokyu no Gi (Lễ tạ ơn)

Tân Nhật hoàng sẽ dâng gạo mới thu hoạch và rượu sake lên tổ tiên và thần linh, cầu nguyện cho mùa màng bội thu và quốc gia hòa bình.

Chính phủ Nhật Bản dự tính sẽ chi khoảng 2,7 tỉ yen (tương tương hơn 560 tỷ đồng) cho buổi lễ này, bao gồm chi phi xây dựng sảnh tạm thời trong cung điện dành riêng cho buổi lễ.

Mai Anh (theo Mainichi)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhat-hoang-naruhito-tuoi-tho-binh-di-cung-tinh-yeu-co-tich-76294.html