Nhật định xét lại lịch sử Thế chiến để giành trọn Kuril

Chủ tịch đảng đối lập phủ nhận Nga thừa hưởng sở hữu Kuril, Nga cảnh báo luận điệu cực đoan của đối lập Nhật Bản

Sau khi Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản đối lập lên tiếng phủ nhận Hiệp ước Hòa bình San Francisco là “không công bằng", hàng loạt nghị sĩ Nga đã phản ứng mạnh mẽ tuyên bố này.

Quần đảo Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Quần đảo Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tờ báo Yomiuri Shimbun vào Chủ nhật rằng, Tokyo nên phác thảo lập trường rằng, toàn bộ quần đảo Kuril là lãnh thổ của Nhật Bản và không trao cho Nga bất cứ quyền gì ở đây.

Chính trị gia này cũng đề xuất tiến hành cuộc đối thoại với Nga, đòi hỏi Moscow “trao trả” Tokyo tất cả quần đảo Kuril.

Tất nhiên, quan điểm này bị phía Nga phản ứng dữ dội.

Chủ tịch của Duma Nga (Hạ viện), Viacheslav Volodin cho rằng tuyên bố của ông Kazuo Shii sẽ "làm tổn hại mối quan hệ của Nga và Nhật Bản dựa trên các nguyên tắc của tình bạn và sự minh bạch."

Chủ tịch Hạ viện Nga Viacheslav Volodin.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev đánh giá đây là các nỗ lực của phe đối lập ở Nhật Bản chứ không phải kênh chính thức, đồng thời hối thúc sự công nhận về tình trạng của Kuril là một phần của nước Nga theo chuẩn mực pháp lý quốc tế.

“Trao trả những hòn đảo này để rồi ở đó xuất hiện các căn cứ Mỹ, là chuyện không thể. Chúng tôi không định sửa đổi những gì đã đạt được sau Thế chiến II, nhưng dĩ nhiên nên tiến hành đối thoại” - ông Kosachev khẳng định.

Trong khi đó, Nghị sĩ Duma quốc gia Anton Morozov lưu ý rằng, quan hệ Nga-Nhật Bản đang ở mức độ cao, chắc sẽ dẫn đến sự xích gần lập trường ngay cả trong vấn đề nhạy cảm và bức thiết như vậy.

“Sớm hay muộn, người Nhật sẽ đồng thuận với điều kiện của chúng ta về Hiệp ước hòa bình, bởi chủ yếu họ phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, kể cả vào Nga” - ông Morozov cho hay.

Theo Ủy viên Hội đồng Liên bang Franz Klintsevich cũng kêu gọi đừng quá coi trọng phát ngôn của ông Kazuo Shii.

“Với đất nước chúng tôi, thì trong vấn đề này tất cả các lực lượng chính trị đều nhất trí: Quần đảo Kuril là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nga” - ông Klintsevich nói.

Tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Kuril đã khiến quan hệ Nga- Nhật Bản ghi nhận nhiều thăng trầm.

Nhật Bản tuyên bố tham vọng chủ quyền với đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và Habomai, viện dẫn Thỏa ước song phương về thương mại và biên giới năm 1855. Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung, trong đó Moscow đồng ý xem xét khả năng chuyển giao Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình, còn số phận của Kunashir và Iturup không bàn tới.

Lập trường của Moscow là quần đảo Nam Kuril đã thuộc thành phần Liên bang Xô-Viết theo kết quả Thế chiến II và tương ứng với quy định của pháp lý quốc tế, chủ quyền của Nga đối với quần đảo này là không thể nghi ngờ.

Tại Singapore, tháng 11/2018 đã diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo kết quả cuộc hội kiến, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố rằng các bên đã đồng ý sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về ký Hiệp ước hòa bình trên cơ sở Tuyên bố chung năm 1956.

Tuy nhiên, đến nay, tiến trình này vẫn bế tắc. Cuối tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nêu điều kiện ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản là Tokyo nên công nhận chủ quyền của Nga đối với nhóm đảo tranh chấp Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc trước.

Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu với giới phóng viên rằng, Nhật sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tham vấn với Nga dựa trên lập trường của Tokyo là giải quyết tranh chấp trước rồi ký hiệp ước hòa bình.

Còn Ngoại trưởng Lavrov cho rằng liên minh chính trị - quân sự Mỹ - Nhật tạo ra rào cản cho việc ký kết hiệp ước hòa bình với Moscow. Ông nói rõ: “Liên minh quân sự với Mỹ tất nhiên tạo ra một vấn đề khi đưa quan hệ Nga - Nhật lên một tầm khác… Khi tuyên bố năm 1956 được đưa ra, Liên Xô khi đó nhấn mạnh mọi thứ có thể được thực hiện và tuyên bố này có thể được thực hiện đầy đủ chỉ trong bối cảnh Mỹ dừng hiện diện quân sự trên lãnh thổ Nhật”.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nhat-dinh-xet-lai-lich-su-the-chien-de-gianh-tron-kuril-3393420/