Nhật Bản: Vực dậy đế chế Kimono

VH- Đã từng giữ một vị trí quan trọng trong tủ quần áo của mỗi người dân Nhật Bản, nhưng Kimono giờ đây chỉ còn là thứ lễ phục để mặc trong những dịp đặc biệt đối với người dân tại nước này. Cũng bởi thế mà ngành công nghiệp sản xuất Kimono từng là đế chế cả một thời đang dần rơi vào mai một. Nhiều nhà thiết kế Nhật Bản đang từng ngày gắng sức hồi sinh nền công nghiệp này.

Người mẫu mặc thiết kế Kimono tại Tuần lễ thời trang Tokyo 2018

Cuộc sống ngày một phát triển, đi cùng với đó là nhu cầu về trang phục gọn gàng và tiện lợi với giá thành hợp lý. Chính vì vậy mà tủ quần áo của người phụ nữ Nhật Bản dần nhường chỗ cho những bộ trang phục công sở hoặc quần áo thường ngày hơn là những bộ Kimono truyền thống, vốn có hơi hướng rườm ra và trịnh trọng.

Ông Yuichi Hirose, nghệ nhân đã theo đuổi con đường sản xuất Kimono truyền thống suốt nhiều năm nay cho biết: “Kimono đã trở thành thứ gì đó xa vời đối với cuộc sống thường ngày của chúng tôi, và những người trong ngành công nghiệp này cần có những sự thay đổi để theo kịp thời cuộc”.

Chính vì lẽ đó, người dân Nhật Bản vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước bắt đầu làm quen với khái niệm “Kimono hiện đại”. Đây là những bộ cánh cách điệu từ Kimono truyền thống vốn rườm rà và có phần nặng nề, thay đổi để tiện lợi và nhẹ nhàng hơn đối với người mặc. Ngành công nghiệp Kimono hiện đại, đạt đỉnh điểm vào năm 1975 với quy mô thị trường lên tới 1,8 nghìn tỉ Yên (theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp). Nhưng đến năm 2008, nó đã giảm xuống còn 406,5 tỉ Yên và sau đó chỉ còn 278,5 tỉ Yên trong năm 2016, theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Viện nghiên cứu Yano.

Kahori Ochi (phải), chủ một cửa hàng cho thuê Kimono, đang mặc thử cho một du khách Hà Lan

Một trong những lý do khiến Kimono không còn giữ được ngôi vị vốn có của nó là bởi sự cồng kềnh và không thuận tiện đối với những sự kiện thường ngày. Chính vì vậy, những nhà thiết kế Nhật Bản luôn cần đổi mới về cả mẫu mã cũng như cách phân phối của mặt hàng truyền thống đang dần mất chỗ đứng.

Để giải quyết vấn đề đó, những giải pháp được đưa ra chính là may Kimono với giá cả phải chăng cùng những kiểu dáng dễ mặc, tiện dụng trong cuộc sống hằng ngày. Ông Takatoshi Yajima, phó chủ tịch Hiệp hội Kimono Nhật Bản với cương vị là một nhà sản xuất chia sẻ, ông đã gia tăng gấp đôi số lượng khách hàng của mình trong 15 năm qua bằng cách cho ra đời dòng Kimono có giá dưới 100.000 Yên, nhắm tới phân khúc khách hàng tầm trung.

Vào Tuần lễ Thời trang Tokyo hồi tháng 3 vừa qua, nhiều nhà thiết kế đã trình làng những mẫu thiết kế Kimono cho cả nam lẫn nữ, pha trộn các họa tiết và màu sắc truyền thống hài hòa, độc đáo. Hơn nữa, mặc dù nhu cầu về Kimono đang giảm trong cộng đồng người dân Nhật Bản thì dịch vụ cho thuê Kimono truyền thống nhắm tới khách du lịch nước ngoài cũng được coi là một “cứu cánh” tuyệt vời cho việc phát triển và quảng bá Kimono Nhật Bản.

ĐẶNG THỤC LINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/truy%E1%BB%81n-thuy%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81160-n%E1%BB%AF-t217-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng160-y%C4%83-wam