Nhật Bản trước việc gia nhập tình báo Ngũ Nhãn

Từ lâu, liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn - một khuôn khổ chia sẻ tình báo bao gồm 5 nước Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ) đã trở thành một cái tên quen thuộc ở Nhật Bản.

Ngũ Nhãn ra đời từ sự hợp tác tình báo tín hiệu giữa Mỹ và Anh trong suốt thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2 (ĐCTGII).

Trong những năm gần đây, việc tập trung vào các nỗ lực thu thập tình báo Ngũ Nhãn đã dịch chuyển sang mạng và các hình thức truyền thông kỹ thuật số khác.

Cùng lúc đó, tổ chức 5 nước đã mở rộng các hoạt động và tăng cường các hành động như là một diễn đàn nhằm tham vấn và phối hợp chính sách đối với một loạt những vấn đề an ninh và công nghệ cao.

Sự thay đổi này giúp giải thích mối quan tâm hợp tác của Ngũ Nhãn với Nhật Bản, và cũng chỉ ra những ý nghĩa chiến lược đối với bất kỳ mối quan hệ nào vượt xa khỏi hợp tác tình báo thuần túy.

Liệu tư cách thành viên có phải là cách tốt nhất để Nhật Bản đạt được mục đích tình báo? Ngay cả khi người Nhật mong muốn thì liệu có khả thi? Có ổn hơn không Nhật Bản vẫn tăng cường hợp tác trong vai trò của một đối tác bên ngoài? Cần phải có những thay đổi cụ thể nào?

Tư cách thành viên có cần thiết

Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được lợi lộc gì nếu nước này gia nhập Ngũ Nhãn? Nhật Bản có khả năng đáng kể khi nắm được thông tin tình báo ảnh hưởng tới an ninh của nước mình, và cũng như lợi ích từ các thỏa thuận song phương, cụ thể là với Mỹ.

Nếu Chính phủ Nhật tin rằng thông tin tình báo hiện có là chưa đủ thì bước kế tiếp sẽ là tăng cường hợp tác tình báo với Mỹ. Nhưng ngay cả khi Washington có nguồn tin tình báo mà họ cũng không mặn mà chia sẻ nó với Tokyo thì cũng đồng nghĩa người Nhật cũng đừng mong xoay chuyển tình thế khi hợp tác với Ngũ Nhãn.

Khi cân nhắc giữa phí tổn và lợi ích, một trong những vấn đề không thể tránh khỏi là không một ai ngoài cộng đồng Ngũ Nhãn thật sự biết được liên minh này đang sở hữu những nguồn tin tình báo nào. Điều này khó cho Nhật Bản khi không thể hình dung rõ ràng về “cho và nhận” – cơ sở của bất kỳ mối quan hệ chia sẻ thông tin tình báo nào mà giữa Nhật Bản và Ngũ Nhãn đòi hỏi phải có.

Nhật Bản được cho là đang sở hữu những khả năng thích hợp mà Ngũ Nhãn còn đang thiếu, đó cũng là căn nguyên giải thích tại sao Ngũ Nhãn dường như rất quan tâm đến tăng cường hợp tác với Nhật Bản.

Nhưng tình báo ở những khu vực này về bản chất là rất nhạy cảm và không dễ cho chính quyền Tokyo chia sẻ tình báo với các nước Ngũ Nhãn, ngay cả việc Nhật Bản chia sẻ tình báo song phương với Mỹ không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, ông Kono Taro, đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ “tư cách thành viên” với Ngũ Nhãn. Ảnh nguồn: The Japan Times.

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, ông Kono Taro, đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ “tư cách thành viên” với Ngũ Nhãn. Ảnh nguồn: The Japan Times.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8-2020 với tờ Nikkei Shimbun, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Kono Taro, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Chính phủ Nhật về việc hợp tác tình báo chặt chẽ hơn với Ngũ Nhãn, đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ “tư cách thành viên”.

Ông Kono Taro tuyên bố: “Sự tham gia phải được hiểu rằng chúng ta ngồi xuống ghế và nói: Tính chúng tôi vào”. Người Nhật lập luận rằng sự tham gia chính thức sẽ khác xa so với hợp tác đột xuất trong việc trao cho Nhật Bản quyền truy cập thông tin tự động, hơn là chỉ được tham khảo từng trường hợp cụ thể. Nhưng cũng không rõ quyền truy cập đó được cấp ở mức độ nào? Theo một số tài khoản, Ngũ Nhãn có tính chất thứ bậc: đứng đầu là Mỹ, thứ 2 là Anh.

Ngay cả khi Nhật Bản được chính thức thừa nhận thì một kịch bản có thể xảy ra theo khuôn khổ “5 + 1”, và Nhật Bản là một thành viên chính thức nhưng vẫn khác biệt so với những thành viên lâu năm, và trong trường hợp này thì những thuận lợi của “tư cách thành viên” với “hợp tác đột xuất” có vẻ mập mờ hơn.

Vượt rào cao để trở thành thành viên

Nếu Nhật Bản chính thức trở thành một thành viên của mạng lưới Ngũ Nhãn (và được cộng đồng này chấp nhận) thì Nhật sẽ tham gia vào Hiệp định UKUSA: hiệp định thành lập ra mạng lưới tình báo mà sự tồn tại của nó cho đến gần đây mới được hé lộ chút ít. Ngoài ra còn có một mạng lưới phức tạp liên quan đến các thỏa thuận phụ trợ liệt kê những mối quan hệ làm việc của các đối tác Ngũ Nhãn.

Đối với Chính phủ Nhật, việc gia nhập các thỏa thuận như vậy có thể sẽ không đi theo luật pháp hiện hành. Liên minh Ngũ Nhãn thường được nói là không phải liên minh, nhưng liên minh ở đây không đi theo nghĩa thông thường.

Tiêu chuẩn cao của Ngũ Nhãn dường như không chỉ thiên về lòng tin mà còn cả các liên kết chính trị. 5 thành viên hiện tại đã gây dựng mối quan hệ lâu năm, trải qua vô số khó khăn và thử thách, và họ đã đóng đinh nó thông qua việc trao đổi mở rộng mạng lưới nhân sự.

Thủ tướng Yoshihide Suga đối mặt với 4 thách thức rào cản trong việc đưa Nhật Bản trở thành thành viên mới của liên minh tình báo Ngũ Nhãn. Ảnh nguồn: Uichiro Kasai and AFP/Jiji.

Đội ngũ nhân sự của Ngũ Nhãn cùng làm việc chặt chẽ ở các cơ quan tình báo của các quốc gia thành viên, cùng thu thập, phân tích và hành động dựa trên nguồn tin. Cả 5 thành viên đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ tình báo thô cùng các sản phẩm của hoạt động phân tích.

Gần đây, trong một hội thảo thông qua web, cựu giám đốc GCHQ, David Omand, đã nhấn mạnh thời gian và nỗ lực để gầy dựng mối quan hệ niềm tin trong số các thành viên Ngũ Nhãn và cảnh báo: “Quý vị không chỉ đơn giản ký vào một tờ giấy… rồi biến nó thành 5, 6, 7 hay 8 tờ”.

Việc kết nạp Nhật Bản vào Ngũ Nhãn chắc chắn sẽ làm gia tăng câu hỏi tương tự với các quốc gia Pháp và Đức, và việc mở rộng sẽ thay đổi đáng kể bản chất của khuôn khổ chia sẻ tình báo.

Một vấn đề đáng lưu tâm. Chắc chắn là một số nhân vật chính trị ngay trong cộng đồng các quốc gia Ngũ Nhãn mà cụ thể ở đây là Anh đã khuyến khích sự tham gia của Nhật Bản. Ông Tom Tugendhat, một thành viên của Quốc hội Anh, là Chủ tịch Ủy ban lựa chọn đối ngoại của Đảng Bảo thủ, có lẽ là minh họa nổi bật nhất.

Nhưng ý kiến của người Anh không nhất thiết là đại diện cho quan điểm của Ngũ Nhãn. Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật – Anh (JUKCEPA) cùng việc loan tin rằng Anh sẽ tìm kiếm tư cách thành viên trong Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được đặt trong bối cảnh này. Tuy nhiên, chớ nhầm lẫn giữa kinh doanh tình báo với những sáng kiến kinh tế và ngoại giao kiểu này.

Các rào cản hướng tới tăng cường hợp tác

Ngay cả khi là một đối tác bên ngoài, Nhật Bản cũng cần phải đáp ứng 4 thách thức lớn nếu muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Ngũ Nhãn.

Thứ nhất, Nhật Bản cần phải cải thiện hệ thống thu thập tình báo tổng thể. Mạng lưới Ngũ Nhãn tập trung vào thu thập và phân tích tình báo kỹ thuật số, và Nhật Bản hiện chưa có cơ quan chính phủ nào chuyên về hoạt động này (như NSA hoặc GCHQ) dành riêng cho việc đánh chặn các thông tin liên lạc.

Mặc dù có tuyên bố rằng Nhật Bản cần phải có một thực thể tình báo tương đương với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hoặc Cục Tình báo mật (MI-6, Anh), nhưng yếu tố phù hợp hơn trong tăng cường hợp tác với Ngũ Nhãn lại nằm ở khả năng tình báo kỹ thuật số.

Song việc can thiệp liên lạc kỹ thuật số đã làm gia tăng những vấn đề nhạy cảm về riêng tư và bảo mật, và việc này chứng tỏ một trở ngại khó khăn cho bất kỳ tổ chức tình báo nào.

Thứ hai, Nhật Bản phải làm tốt hơn nữa việc tăng cường khả năng phản gián. Dù Chính phủ Nhật đã đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực này, như việc đã thông qua Luật Bí mật nhà nước năm 2013, song vẫn còn nhiều việc cần làm.

Bao gồm việc ban hành luật chống gián điệp toàn diện và thành lập một hệ thống thông quan an ninh thống nhất. Thực vậy, một số thành phần ở Nhật đã nắm bắt vấn đề tư cách thành viên trong Ngũ Nhãn sẽ là hành động đòn bẩy cho việc ra đời luật chống gián điệp.

Nếu được tất cả các thành viên đồng ý, đặc biệt là với sự khuyến khích từ Mỹ, thì việc Nhật Bản chính thức tham gia Ngũ Nhãn (Five Eyes) sẽ khá thuận lợi. Nguồn: Globaltimes.

Thứ ba, để đánh giá tình báo, cách tiếp cận của Nhật là cực kỳ thận trọng và bảo thủ, như cách mà các công tố viên đánh giá bằng chứng luận tội trước tòa án. Tư thế này đã được nhìn thấy khi Chính phủ Nhật Bản phản ứng với việc dùng vũ khí hóa học ở Syria...

Nhật Bản cần phải thừa nhận rằng thông tin tình báo làm cơ sở cho những quyết định về chính sách đối ngoại và an ninh. Lẽ dĩ nhiên các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh không thể không mắc lỗi như đã được thể hiện trong các đánh giá sai lầm về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq ngay trước chiến tranh Iraq.

Bên cạnh đó, những đánh giá tương thích là điều kiện căn bản tiên quyết để chia sẻ tình báo. Sẽ có ít động lực hơn để Ngũ Nhãn chia sẻ tình báo với Tokyo nếu cộng đồng này cho rằng nó sẽ đi đến một đánh giá khác. Nói một cách đơn giản thì các quốc gia chia sẻ tình báo với những nước khác đều muốn nhận lại một bản đánh giá chung.

Thứ tư, liệu Nhật Bản có sẵn lòng để hành động thích hợp trên cơ sở chia sẻ tình báo với Ngũ Nhãn hay không? Khi Chính phủ Anh lên tiếng cáo buộc Nga âm mưu hạ độc hai cha con Sergei và Yulia Skripal, thì Ngũ Nhãn và các thành viên khác của NATO và EU đều ủng hộ cho đánh giá của Anh cũng như đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Tokyo không đi theo cách đó. Tokyo không thể mong đợi việc Ngũ Nhãn tin tưởng nếu người Nhật từ chối tham gia vào các hành động chung, đặc biệt là liên quan đến những vấn đề nhân quyền. Bất kể ý định của Tokyo liên quan đến Ngũ Nhãn là gì, thì người Nhật trước mắt cần phải xử lý cả 4 thách thức đó.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhat-ban-truoc-viec-gia-nhap-tinh-bao-ngu-nhan-640956/