Nhật Bản: Trở ngại mới trong công tác khử độc sau thảm họa 2011

Sau 8 năm kể từ ngày xảy ra vụ động đất – sóng thần hủy diệt tại Đông Bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với một trở ngại mới trong công tác khắc phục hậu quả, khi phải trữ khoảng 1 triệu tấn nước nhiễm độc tại nhà máy điện hạt nhân này trong nhiều năm.

8 năm kể từ ngày 11/3/2011, các lệnh sơ tán người dân, vốn được ban bố sau sự cố rò rỉ phóng xạ, đã được dỡ bỏ tại rất nhiều khu vực thuộc tỉnh Fukushima, trong khi công tác khử độc cũng đã đạt nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, dấu hiệu nhiễm phóng xạ vẫn được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm ở địa phương này. Trong khi đó, theo kế hoạch vào tháng 3/2021, Chính phủ Nhật Bản sẽ giải thể Cơ quan tái thiết, vốn được thành lập cách đây 7 năm trong nỗ lực khắc phục thảm họa.

Hồi cuối năm ngoái, Công ty Điện lực Tokyo thông báo hệ thống lọc nước nhiễm độc đã không thể loại bỏ các chất phóng xạ nguy hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn lượng nước nhiễm độc đang được lưu trữ trong 1.000 thùng chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ cần phải được tái xử lý trước khi đổ ra biển. Quá trình tái xử lý nước này có thể mất gần 2 năm, và có thể sẽ phải chuyển hướng sự tập trung nhân lực và các nguồn lực khác khỏi công tác dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại, một dự án vốn có thể mất tới 40 năm. Hiện chưa rõ việc phải trì hoãn quá trình dỡ bỏ này sẽ gây tổn thất bao nhiêu, song chắc chắn mọi sự trì hoãn đều rất tốn kém. Hồi 2016, Nhật Bản ước tính tổng chi phí cho việc dỡ bỏ nhà máy, khử độc các khu vực bị ảnh hưởng, bồi thường thiệt hại, sẽ mất khoảng 192,5 tỷ USD, chiếm gần 20% ngân sách hàng năm./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/nhat-ban-tro-ngai-moi-trong-cong-tac-khu-doc-sau-tham-hoa-2011