Nhật Bản 'tiến thoái lưỡng nan' trong giải quyết vấn đề Triều Tiên

Triều Tiên một lần nữa lại đặt Nhật Bản vào thế 'tiến thoái lưỡng nan' khi tuyên bố sẽ không chấp nhận giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc tại Bình Nhưỡng trong thập niên 70-80, trừ khi Tokyo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 3, phải) trong cuộc gặp nhóm gia đình có thân nhân từng bị Triều Tiên bắt cóc những năm 70-80, ở Tokyo ngày 30-3-2018

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 3, phải) trong cuộc gặp nhóm gia đình có thân nhân từng bị Triều Tiên bắt cóc những năm 70-80, ở Tokyo ngày 30-3-2018

Sau khi chính quyền Bình Nhưỡng chính thức thừa nhận và trao trả Tokyo 5 nạn nhân người Nhật cùng gia đình của họ vào các năm 2002 và 2004, khẳng định 12 nạn nhân còn lại đã qua đời, Triều Tiên coi vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc đã được giải quyết. Phủ nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh rằng việc giải quyết vấn đề liên quan đến 12 công dân bị bắt cóc còn lại là điều kiện tiên quyết để Tokyo bình thường hóa quan hệ song phương với Bình Nhưỡng cũng như gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên.

Tình hình căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và sự ngưng trệ của tiến trình đàm phán 6 bên đã ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. Vấn đề gây mâu thuẫn sâu sắc giữa hai nước này đã không thể tiến triển kể từ năm 2016, khi Triều Tiên giải tán cơ quan điều tra số phận các nạn nhân được thành lập theo thỏa thuận hai bên đạt được tại Stockholm (Thụy Điển) hồi năm 2014. Động thái của Bình Nhưỡng là nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nhật Bản áp đặt sau hàng loạt các chương trình thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, Thủ tướng Abe đã hai lần sang Mỹ để đề nghị Tổng thống Donald Trump nhắc đến vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc ở Triều Tiên trong chương trình nghị sự. Và dường như để chắc chắn hơn, Chính phủ Nhật Bản còn đề nghị tiến hành cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho để giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước.

Từ trước đến nay, lập trường nhất quán của Nhật Bản là gắn liền vấn đề Triều Tiên bắt cóc con tin Nhật với vấn đề giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán liên quan. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khiến Nhật Bản hết sức quan ngại và buộc phải xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng. Đầu tiên là hàng loạt cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo Triều Tiên với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc khiến Nhật Bản rơi vào thế bị cô lập trong vấn đề Triều Tiên.

Tiếp đến, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ có chiều hướng giảm nhẹ kế hoạch “gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên, đồng thời tuyên bố chung Mỹ-Triều đã không được như Tokyo mong đợi khi hoàn toàn không đề cập đến vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc và cũng không đưa ra lộ trình cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa hay vấn đề từ bỏ các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Giờ đây, Nhật Bản trước hết hướng đến các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, vấn đề công dân bị bắt cóc sẽ được đưa ra tại các cuộc đàm phán sau đó.

Vì thế, Tokyo đã phái các nhà ngoại giao thiết lập kênh liên lạc với Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều đầu tiên giữa Thủ tướng Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra tại Vladivostok (Nga) vào tháng 9 tới.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến mới đây, đại đa số người dân Nhật Bản đều ủng hộ một cuộc gặp như vậy, nhưng vẫn tỏ ý hoài nghi về khả năng hai bên giải quyết được vấn đề bắt cóc con tin vốn tồn tại dai dẳng.

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nhat-ban-tien-thoai-luong-nan-trong-giai-quyet-van-de-trieu-tien/774015.antd