Nhật Bản thúc đẩy bình đẳng giới trên chính trường

Các đảng phái chính trị ở đất nước Mặt trời mọc đang cạnh tranh để tăng số lượng ứng viên nữ trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện vào mùa thu này.

Nữ Thượng nghị sĩ Takae Ito. Ảnh: Kyodo News

Nữ Thượng nghị sĩ Takae Ito. Ảnh: Kyodo News

Năm nay đánh dấu 75 năm quyền bầu cử của phụ nữ ở Nhật Bản. Sau nhiều năm, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Hạ viện vẫn hầu như không thay đổi, chỉ tăng từ 8,3% năm 1946 lên 9,9% năm 2021 (thấp hơn nhiều so với mức trung bình 25,5% của thế giới). Tuy nhiên, nhiệm kỳ hiện tại của các nghị sĩ Hạ viện sẽ kết thúc vào tháng 10 tới (có thể sớm hơn nhiều nếu Thủ tướng Yoshihide Suga quyết định bầu cử sớm), các đảng phái chính trị và cử tri Nhật có cơ hội giải quyết khoảng cách lớn này.

Theo đó, Ủy ban phụ trách vấn đề trao quyền cho phụ nữ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng 4 đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ ứng viên nữ tham gia tranh cử là 15%. Nhiều đảng đối lập cũng làm điều tương tự. chẳng hạn, đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) và đảng Dân chủ vì Nhân dân lần lượt thông báo mục tiêu là 30% và 35%. CDP còn cho biết họ muốn nữ giới chiếm 30% tổng số đảng viên và sau đó nhắm tới tỷ lệ 50%. Mục tiêu này của đảng Cộng sản Nhật Bản cũng là 50%.

Taimei Yamaguchi, Chủ tịch Ủy ban chiến lược bầu cử của LDP, gần đây cho rằng ông cảm nhận một cuộc khủng hoảng về vị trí của Nhật trong Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay. Theo đó, Nhật Bản xếp thứ 147 trên 156 quốc gia về trao quyền chính trị cho phụ nữ.

Trong bối cảnh trên, CDP đề cập đến khả năng xây dựng một đạo luật mới nhằm giải bài toán về khoảng cách giới ở Nhật. Cho đến nay, phần lớn nỗ lực giải quyết bất bình đẳng giới vẫn chưa thành công. Ðơn cử như năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật mà một trong các nội dung là kêu gọi các đảng chính trị nỗ lực đặt mục tiêu cụ thể về số ứng viên nữ tham gia các cuộc bầu cử địa phương và tổng tuyển cử. Tuy nhiên, luật này chưa cho thấy hiệu quả bởi nó không có tính ràng buộc và không có biện pháp chế tài. Thực tế cho thấy, năm 2020 tân Thủ tướng Suga chỉ bổ nhiệm 2 gương mặt nữ trong số 21 nhân sự nội các.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ lệ “bóng hồng” tham gia tranh tài trong các cuộc bầu cử quốc gia lên 35% vào năm 2025, nhưng khảo sát gần đây của Hãng tin Kyodo News chỉ ra có tới 2/3 các nhà lập pháp nữ nhận thấy điều này sẽ khó đạt được. 66% số người tham gia khảo sát cảm thấy bi quan vì quan điểm khuôn mẫu ở Nhật Bản rằng chính trị là công việc của nam giới và khó khăn trong việc cân bằng giữa việc làm mẹ, làm vợ và chính trị gia là hai trong số những lý do chính. Trong cuộc khảo sát trên, 26% nữ nghị sĩ cho biết mục tiêu có thể đạt được nếu có những nỗ lực phối hợp của mỗi đảng phái chính trị.

Ðược biết, phụ nữ chiếm 18% tổng số ứng viên trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2017 và 28% trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2019. Nhưng tỷ lệ phụ nữ giành được ghế trong các cuộc bầu cử đó lần lượt giảm xuống còn chưa tới 10% và 23%. Hiện nay, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Thượng viện ở mức 22,9%.

HẠNH NGUYÊN (Theo Japan Times)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhat-ban-thuc-day-binh-dang-gioi-tren-chinh-truong-a134514.html