Nhật Bản thu thập mẫu khí đầu tiên từ thiên thạch trong không gian sâu

Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) xác nhận sứ mệnh Hayabusa2 đã thu thập thành công mẫu khí đầu tiên từ một thiên thạch trong khu vực xa xôi của vũ trụ.

JAXA cho biết tàu thám hiểm vũ trụ Hayabusa2 đã thả khoang chứa mẫu vật xuống Trái Đất vào ngày 6/12, tại Nam Australia. Các nhóm chuyên gia từ JAXA đã thu hồi thành công mẫu vật trên đất liền.

Khoang chứa mẫu nghiên cứu được lấy từ thiên thạch Ryugu và mẫu vật dạng khí đầu tiên từng được thu thập ở vùng "không gian sâu". Tàu vũ trụ Hayabusa2 thu thập thành công các mẫu vật này vào năm 2019.

Đội nghiên cứu của JAXA đã làm thí nghiệm sơ bộ mẫu vật dạng khí trước khi gửi về Nhật Bản. Các nhà khoa học xác nhận mẫu vật này cũng xuất xứ ở thiên thạch Ryugu. Phân tích cho thấy mẫu vật khác với thành phần cấu tạo khí quyển Trái Đất.

 Tàu vũ trụ Hayabusa2 thu thập mẫu vật nghiên cứu từ thiên thạch Ryugu vào năm 2019. Ảnh: JAXA.

Tàu vũ trụ Hayabusa2 thu thập mẫu vật nghiên cứu từ thiên thạch Ryugu vào năm 2019. Ảnh: JAXA.

Hai cuộc phân tích riêng biệt, diễn ra tại Australia vào ngày 7/12 và tại Trung tâm Xử lý Mẫu vật Ngoài Trái Đất của JAXA vào ngày 10-11/12, đưa ra cùng kết luận về mẫu nghiên cứu dạng khí.

Lượng khí ngoài Trái Đất có thể đã được tàu thám hiểm Hayabusa2 lấy theo trong quá trình thu thập mẫu vật trên và dưới bề mặt thiên thạch, theo CNN.

Trong số mẫu vật được thu thập còn có một dạng cát màu đen. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục mở khoang chứa mẫu vật để tìm hiểu thêm về mẫu nghiên cứu dạng khí bí ẩn.

Dự kiến đến cuối năm 2021, JAXA sẽ chia sẻ các mẫu nghiên cứu từ Ryugu cho 6 nhóm khoa học khác khắp thế giới.

Tàu thám hiểm vũ trụ Hayabusa2 vẫn tiếp tục hành trình sau khi ghé ngang Trái Đất để thả mẫu vật. Theo kế hoạch của JAXA, tàu dự kiến sẽ tiếp cận thêm nhiều thiên thạch khác.

Hayabusa2 được phóng đi vào ngày 3/12/2014 và tiếp cận thiên thạch Ryugu vào tháng 6/2018.

Tàu Hayabusa2 sẽ tiếp tục sứ mệnh thám hiểm vũ trụ ở nhiều thiên thạch khác. Ảnh: JAXA.

Các nhà khoa học ước tính có 1 gr vật chất thiên thạch được thu thập.

"1 gr nghe thì có vẻ ít ỏi, nhưng với chúng tôi đây là con số rất lớn. Nó đủ để giải quyết nhiều câu hỏi khoa học của chúng tôi", Masaki Fujimoto, Phó tổng giám đốc Ban Khoa học Hệ Mặt Trời của JAXA, cho biết.

"Ryugu có sự liên hệ với quá trình từng khiến Trái Đất của chúng ta trở thành nơi có thể duy trì sự sống. Trái Đất được sinh ra khô cằn, không có nước. Chúng tôi cho rằng những thiên thể xa xôi như Ryugu đã bay vào Hệ Mặt Trời, đâm vào Trái Đất, tạo ra nước và biến nơi này thành nơi sống được. Đây là câu hỏi mang tính nền tảng và chúng tôi đã có những mẫu nghiên cứu để giải quyết nó", Fujimoto nói.

Sao băng rực sáng trên bầu trời Nhật Bản Một thiên thạch bốc cháy và tỏa sáng rực rỡ có thể được nhìn thấy từ bầu trời phía tây Nhật Bản rạng sáng 29/11.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-thu-thap-mau-khi-dau-tien-tu-thien-thach-trong-khong-gian-sau-post1163688.html