Nhật Bản thu 'phí chia tay' như thế nào?

Nhật Bản đã bắt đầu thu 'Sayonara tax' (phí chia tay hay thuế xuất cảnh) từ ngày 7/1/2019. Theo đó, người dân Nhật Bản và du khách khi rời khỏi quốc gia này bằng đường thủy hoặc đường hàng không sẽ phải trả 1.000 Yen (khoảng 9,2 USD).

Nhật bản đã bắt đầu thu "Sayonara tax” từ ngày 7/1/2019.

Nhật bản đã bắt đầu thu "Sayonara tax” từ ngày 7/1/2019.

Theo Japan Times, lệ phí này sẽ được cộng thêm vào vé máy bay và vé tàu thủy. Trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh trong vòng 24 tiếng sẽ được miễn thuế.

Chính phủ Nhật dự kiến dùng số tiền thu được từ loại thuế này để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và quảng bá các điểm đến ở nông thôn cũng như tài trợ cho các chiến dịch quảng bá toàn cầu.

Cụ thể, doanh thu sẽ được sử dụng để thiết lập cổng nhận dạng khuôn mặt tại các sân bay để làm thủ tục nhập cư nhanh hơn, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng bảng thông tin đa ngôn ngữ.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng lên kế hoạch yêu cầu các công ty vận hành giao thông công cộng mở rộng dịch vụ internet không dây miễn phí và đưa vào hệ thống thanh toán điện tử.

Doanh thu từ thuế ước tính sẽ đạt 6 tỷ yên (khoảng 55,4 triệu USD) trong năm tài khóa 2018 đến tháng 3/2019 và 50 tỷ yên (khoảng 462 triệu USD) trong năm tài khóa 2019.

Trước đó, Quốc hội Nhật Bản cũng thông qua luật giới hại sử dụng loại thuế "chia tay" này. Theo đó tất cả các khoản tái đầu tư này đều phải liên quan tới du lịch, nhằm tránh lạm dụng công quỹ.

Trong vài năm trở lại đây, lượng khách quốc tế tới Nhật Bản tăng vọt, giúp thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Năm 2017, nước này đón lượng du khách quốc tế kỷ lục 28,69 triệu người, tăng 19,3% so với năm trước đó và là năm thứ 6 tăng liên tiếp, theo Japan Times.

Số liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là hai nước có du khách đến Nhật đông đảo nhất. Mỗi nước chiếm tới 25% tổng du khách đến xứ sở mặt trời mọc

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu tăng con số đó lên 40 triệu người vào năm 2020 khi nước này đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè và Paralympic Games, và lên 60 triệu người vào năm 2030.

Bên cạnh Nhật Bản, một số nước khác như Mỹ, Australia và Hàn Quốc đã áp dụng thu loại thuế tương tự.

Tại Mỹ, du khách quốc tế sẽ phải đóng 1.500 yen (14 USD) cho chương trình miễn trừ visa. Úc thu 46 USD mỗi người, còn Hàn Quốc cũng thu 9,37 USD phí rời sân bay.

Phản ứng của du khách nước ngoài như thế nào?

Theo tờ Condé Nast Traveler, một tờ báo có đối tượng độc giả là tầng lớp thượng lưu của Mỹ, nhờ việc cải tiến hệ thống hàng không nên việc đến Nhật Bản trong những năm trở lại đây đã thuận tiện hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nếu có loại “thuế chia tay” này thì du khách khi tới Nhật Bản sẽ phải trả chi phí cao hơn khi tới đây.

Độc giả của tờ Condé Nast Traveler cho rằng nếu Nhật Bản thu phí này với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thì so với thuế xuất nhập cảnh (Air Passenger Duty) của Anh, hay thuế xuất cảnh (Passenger Movement Charge) của Úc thì “thuế chia tay” của Nhật cũng không phải là vấn đề đáng bận tâm.

Theo tờ Travel + Leisure (tờ báo mới chọn Nhật là một trong những điểm đến của năm 2018) cũng cho biết thuế này được dùng để nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch nhằm mục đích xây dựng hình ảnh của một quốc gia du lịch. Chính vì thế, so với việc được tận hưởng những thứ của Nhật như đồ ăn, phong cảnh, những hòn đảo xinh đẹp…. thì mức 9 USD này là có thể hoàn toàn chấp nhận được.

Theo như các độc giả của 2 tờ báo trên thì các hãng du lịch của Nhật không cần phải quá lo lắng về việc khách du lịch sẽ e ngại về việc phải nộp thêm thuế xuất cảnh và sẽ không tới Nhật.

Tuy nhiên việc sử dụng nguồn thuế này cần phải thật thận trọng. Không chỉ nhằm phục vụ cho khách du lịch mà còn cần coi trọng vào việc phát triển du lịch bền vững, bảo vệ các khu du lịch cũng như các chính sách trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của sự quá tải du lịch.

Minh Đăng

Theo Japan Times

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhat-ban-thu-phi-chia-tay-nhu-the-nao-20180504224224838.htm