Nhật Bản thời hậu Shinzo Abe sẽ ra sao?

Người kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phải đương đầu với đầy rẫy thách thức đến từ khủng hoảng trong và ngoài nước.

Đại dịch Covid-19, nền kinh tế tuột dốc, chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, Thế vận hội 2020 bị hoãn, ảnh hưởng từ cuộc tranh cử tổng thống Mỹ…? Tất cả chỉ là những khó khăn trước mắt đối với người tiếp quản nước Nhật thời hậu Abe.

Về dài hạn, người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ phải hoàn tất những cam kết còn dang dở của ông Abe với người Nhật. Đó là lời hứa về việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và trên thị trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc để nam giới có thể gắn kết với gia đình hơn.

Khó khăn bủa vây

Nước Nhật đối mặt với tình trạng thiếu lao động vì dân số ngày càng giảm và tỷ lệ sinh thấp, trong khi phương án sử dụng lao động nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi đứng đầu thế giới sẽ khiến Nhật Bản chật vật trong việc chi trả lương hưu và cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người già.

 Tình trạng già hóa dân số đang tạo nhiều áp lực lên kinh tế - xã hội Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Tình trạng già hóa dân số đang tạo nhiều áp lực lên kinh tế - xã hội Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Các thảm họa tự nhiên gia tăng do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt năng lượng do đóng cửa hệ thống nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima, mối đe dọa bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa và sự đi xuống trong quan hệ với Hàn Quốc cũng đang đặt nước Nhật vào khó khăn.

“(Tình hình trên) khiến tôi tự hỏi tại sao lại có người muốn trở thành thủ tướng (Nhật Bản) cơ chứ?”, nhà phân tích Jeffrey Hornung tại RAND Corporation nhận định.

Song vẫn còn đó những người khát khao vị trí mà ông Abe để lại. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ngày 1/9 sẽ ra thông báo về việc chọn ra lãnh đạo mới như thế nào. Hai phương án hiện có là cuộc bỏ phiếu chỉ dành cho thành viên quốc hội và một số quan chức đại diện các tỉnh; hay sẽ triệu tập cuộc bỏ phiếu với sự tham gia của toàn bộ một triệu thành viên trong đảng.

Trong trường hợp phe đối lập muốn giành lấy vị trí lãnh đạo nước Nhật trong tương lai, một cuộc tổng tuyển cử phải diễn ra.

Cho đến nay, những người đã bày tỏ nguyện vọng ứng cử vào vị trí thủ tướng Nhật Bản bao gồm cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và Seiko Noda, thành viên hạ viện.

Các nguồn tin cũng nói rằng Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, trợ thủ lâu năm của ông Abe, cũng sẽ tham gia cuộc đua này.

Thách thức và cơ hội

Về cơ bản, Nhật Bản vẫn là quốc gia ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, những vấn đề dài hạn của nước Nhật đã ăn sâu đến nỗi ngay cả nhiệm kỳ dài kỷ lục của ông Abe cũng không đủ để xử lý hoàn toàn.

Từ góc độ cá nhân, Thủ tướng Abe cho rằng điều ông hối tiếc nhất vẫn là sự thất bại trong việc sửa đổi hiến pháp để đưa Nhật Bản “trở lại là quốc gia bình thường”. Cạnh đó là việc xử lý tranh chấp với Nga và giải quyết những trường hợp công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước.

Thủ tướng Abe hối tiếc vì chưa thành công trong việc sửa đổi hiến pháp. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, vấn đề cấp bách nhất mà thủ tướng kế nhiệm cần ưu tiên là khôi phục nền kinh tế đang chịu tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19.

Nhật Bản đang gánh khoản nợ lớn nhất trong những nước phát triển và đã phải chi rất nhiều tiền để kích cầu nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội cho nhà lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản đẩy mạnh cải cách xã hội, từ đó giải quyết một số vấn đề sâu xa, bao gồm cả những rào cản khiến phụ nữ gặp trở ngại trong sự nghiệp.

Đầu năm 2020, do Covid-19 diễn biến phức tạp, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, văn hóa công sở phụ thuộc nhiều vào giấy tờ đã khiến nhiều người gặp khó khăn để thích ứng với hình thức làm việc mới. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ khoảng 20% lượng nhân viên văn phòng tiếp tục làm việc tại nhà.

Giám đốc đầu tư Kathy Matsui của Tập đoàn Goldman Sachs tại Tokyo cho biết bà hy vọng thủ tướng kế nhiệm sẽ vạch ra lộ trình để chính phủ và các doanh nghiệp phối hợp áp dụng công nghệ chặt chẽ hơn.

Hình thức làm việc tại nhà được cho sẽ mở ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Barbara G. Holthus, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản ở Tokyo, cho rằng công nghệ cho phép làm việc tại nhà cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho phụ nữ.

Bà Holthus mong thủ tướng kế nhiệm ông Abe sẽ truyền tải thông điệp đến các công ty và nhân viên rằng làm việc từ xa không chỉ giúp ngăn phát tán virus corona mà còn có thể giúp các bà mẹ cân bằng công việc - gia đình.

Thách thức ngoại giao

Trên trường quốc tế, một trong những mối bận tâm lớn nhất đối với Nhật Bản là liệu tân thủ tướng có tại vị đủ lâu để vượt ra ngoài khuôn khổ một chương trình nghị sự ngắn hạn hay không.

Nhiều người đang lo rằng Nhật Bản sẽ quay trở lại với khuynh hướng xoay vòng lãnh đạo vốn đã đè nén sự phát triển của nước này trong nhiều năm trước khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012.

Thủ tướng Abe đã có thời gian để phát triển các mối quan hệ ngoại giao, từ đó cho phép ông thúc đẩy các nước đồng minh tham gia vào các thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác an ninh.

Nhiệm kỳ kéo dài cho phép Thủ tướng Abe tạo dựng các mối quan hệ ngoại giao lâu bền với nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ phải khéo léo ứng xử trong mối quan hệ với một đồng minh lâu năm nhưng gần đây đã không còn giữ vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.

Chuyên gia Shihoko Goto thuộc Trung tâm Wilson ở Washington nhận xét Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe đã “lấp đầy một phần khoảng trống mà Mỹ để lại trong sự khiên cưỡng rằng nước này vẫn là một thế lực ở Thái Bình Dương”.

Bà Goto lo ngại về việc liệu người kế nhiệm của ông Abe có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo đa phương trong khu vực như thủ tướng 65 tuổi đã làm hay không.

Mối quan hệ Nhật - Trung thời gian gần đây gặp nhiều căng thẳng. Ảnh: Kyodo News.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tìm cách để trở thành đối trọng với Trung Quốc, quốc gia đã tiến hành một loạt hành động khiêu khích ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, gây áp lực lên khu vực.

Nếu sự rút lui của Thủ tướng Abe dẫn đến bất ổn chính trị, “Trung Quốc cho thấy rằng họ (sẽ luôn) lợi dụng các tình huống nhất thời và sự không chắc chắn như vậy”, nhà phân tích Hornung của RAND Corporation nhận định.

Giới chuyên gia đang kỳ vọng thủ tướng kế nhiệm ông Abe sẽ hướng đến giải quyết mối quan hệ căng thẳng lâu năm với Hàn Quốc.

“Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều sẽ hưởng lợi trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực, và Trung Quốc lại đang cố gắng ngăn chặn điều đó”, Lauren Richardson, giảng viên quan hệ quốctế tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét. “Nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không thể tự mình chống trả, đặc biệt là khi vị thế của Mỹ trong khu vực đã suy yếu”.

Dấu ấn Thủ tướng Abe trong quan hệ Việt - Nhật Thủ tướng Shinzo Abe là người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam, đóng góp nhiều cho sự phát triển quan hệ chiến lược Việt - Nhật trong những năm qua.

Nguyễn Bá
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-thoi-hau-shinzo-abe-se-ra-sao-post1126195.html