Nhật Bản thiết kế đuôi robot cho người hay bị ngã

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nghĩ ra một giải pháp đặc biệt dành cho những người dễ bị mất thăng bằng và hay ngã: đeo đuôi robot.

Đuôi gắn vào người giúp giữ thăng bằng. Ảnh: CNN

Đuôi gắn vào người giúp giữ thăng bằng. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN, một nhóm tại Đại học Keio ở Tokyo đã thiết kế một chiếc đuôi có thể đeo vào người bằng khung nẹp và giúp người đeo cân chỉnh thăng bằng như động vật.

Chiếc đuôi thiết kế phỏng sinh học ra đời sau khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu các động vật có vú và động vật có xương sống mà đuôi hoạt động như một chi nữa của cơ thể.

Chiếc đuôi dài một mét, dày, gắn vào eo người đeo trông giống như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. Với các đĩa đệm giống như động vật có xương sống, chiếc đuôi này lắc và uốn như đuôi thật.

Đuôi có thể lắc và uốn cong. Ảnh: CNN

Để hoạt động, chiếc đuôi có chứa các cảm biến và 4 “cơ” nhân tạo để nó di chuyển nhịp nhàng với cử động của người đeo. Ví dụ, khi người đeo nghiêng trái, đuôi nghiêng phải. Nếu cúi xuống, đuôi sẽ dựng ngược lên.

Chuyển động đối lập này giúp cơ thể có đủ lực để thay đổi đà và trọng tâm, giúp giữ thăng bằng và giúp người đeo ổn định tốt hơn.

Dự án nghiên cứu mang tên Arque do các nhà nghiên cứu Yamen Saraiji, Junichi Nabeshima và Kouta Minamizawa phụ trách. Các nhà nghiên cứu mới nảy ra ý tưởng này mùa hè năm ngoái. Bà Saraiji nói: “Chúng tôi quan tâm tới việc giúp cơ thể con người thích ứng với thiết bị công nghệ có thể đeo được”.

Xem video người đeo đuôi robot (nguồn: CNN):

Trước tiên, các nhà khoa học thử nghiệm với các mẫu dựa trên đuôi mèo và hổ. Do hai mẫu này đều quá nhẹ để có thể tác động lên cân bằng cơ thể người nên họ chuyển sang đuôi cá ngựa vì chúng to hơn và nặng hơn xét về lực và đà cần thiết.

Nhà nghiên cứu Saraiji cho biết đuôi cần tương đương 5% cân nặng cơ thể người đeo để có hiệu quả. Vì thế, chiều dài và cân nặng của mẫu có thể được điều chỉnh. Vì đuôi gắn vào phần eo nên người đeo không cảm thấy nặng hơn nhiều cho tới khi đuôi bắt đầu chuyển động.

Bà nhấn mạnh rằng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển chiếc đuôi, do đó đuôi cho người sẽ chưa có trên thị trường.

Các nhà nghiên cứu hy vọng thêm cơ nhân tạo để đuôi phản ứng nhanh hơn với chuyển động người dùng. Họ đang nghiên cứu tác dụng phụ tiềm tàng nếu sử dụng đuôi lâu dài.

Sử dụng đuôi khi đeo thiết bị thực tế ảo. Ảnh: CNN

Cách đây hai tuần, nhóm đã giới thiệu mẫu đuôi lần đầu tiên sau một năm nghiên cứu. Bà Saraji nói: “Chúng tôi muốn hợp tác với các nhóm y học để nghiên cứu hiệu quả sử dụng đuôi với người bị rối loạn thăng bằng”.

Ngoài những người rối loạn cơ và thăng bằng, đuôi này cũng có thể được sử dụng để giúp người già ổn định cơ thể, hỗ trợ thêm cho người làm công việc cần nâng nhấc vật nặng.

Đuôi cùng có tiềm năng sử dụng trong ngành giải trí, đưạc biệt là trong thực tế ảo và phản hồi xúc giác. Ví dụ, nếu ai đó đang dùng sản phẩm thực tế ảo, đuôi có thể giúp bắt chước bối cảnh ảo. Nếu bối cảnh là có gió to thổi, đuôi có thể làm bạn nghiêng ngả như thể đang đứng trong gió.

Đuôi cho người mới chỉ là sản phẩm mới nhất của nhóm nghiên cứu Đại học Keio. Các nhà nghiên cứu khác thuộc Đại học Keio trước đó từng thử nghiệm chi đeo được cũng như các hệ thống đeo được cho phép người dùng “dùng chung cơ thể”.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản trở thành nước đi đầu thế giới trong ngành công nghệ thiết bị đeo được.

Năm 2015, Tokyo đã mở triển lãm về loại sản phẩm này. Đây là hội chợ sản phẩm công nghệ đeo được lớn nhất thế giới, trưng bày mọi thứ từ găng tay điện tử cho người chơi piano tới bộ kimono điện tử.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nhat-ban-thiet-ke-duoi-robot-cho-nguoi-hay-bi-nga-20190816150703917.htm