Nhật Bản sẽ thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ, đối trọng với Trung Quốc

Chính phủ Nhật Bản xây dựng Lực lượng Không gian vũ trụ, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát vệ tinh quân sự nước ngoài và chiếm lĩnh không gian.

Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố, Nhật Bản sẽ thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ vào năm 2020. Nhiệm vụ của lực lượng mới này là giám sát các vệ tinh các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là vệ tinh quân sự Trung Quốc, hãng tin Kyodo đưa tin.

 Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: TASS)

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: TASS)

Tuyên bố của ông Abe đưa ra trong buổi nói chuyện với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hôm 17/9 tại Tokyo. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Lực lượng Không quân Nhật Bản sẽ được phát triển thành Lực lượng Hàng không vũ trụ. Tokyo sẽ phối hợp với Washington để thực thi kế hoạch này.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật bản sẽ nhanh chóng vượt qua sự tụt hậu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ so với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Ngoài nhiệm vụ do thám vệ tinh quân sự Trung Quốc và Nga, lực lượng Hàng không vũ trụ Nhật Bản sẽ tham gia vào quá trình ngăn chặn va chạm của vệ tinh viễn thám trên không gian, loại bỏ gây nhiễu trong liên lạc vô tuyến. Bộ chỉ huy lực lượng không gian sẽ đóng tại thành phố Futu (Tokyo).

Ở giai đoạn đầu tiên của kế hoạch, 70 chuyên gia hàng đầu của Lực lượng Không gian vũ trụ Nhật Bản sẽ nghiên cứu một cấu trúc mới và tạo ra các hệ thống giám sát radar, kính viễn vọng mặt đất. Hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023.

Nhật Bản từng lên kế hoạch thành lập một bộ phận mới trong năm 2022, nhưng kế hoạch bị hoãn lại. Lí do là đồng minh Mỹ cũng quyết định thành lập Lực lượng Không gian vào năm 2020. Khả năng Mỹ - Nhật sẽ cùng thành lập và tích cực hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ này.

Chính phủ Thủ tướng Abe nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường khả năng tác chiến của JSDF và củng cố vị thế của Tokyo trong không gian vũ trụ và không gian mạng.

Tháng 7/2014, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thành công vũ khí diệt vệ tinh đầu tiên. Bắc Kinh được cho rằng đã tiến hành sản xuất robot tiêu diệt vệ tinh. Năm 2013, Nga cũng đã ra mắt các thiết bị chống vệ tinh không gian. Điều này gây nhiều lo ngại cho Chính phủ Nhật Bản, đối với an toàn của các vệ tinh dân sự và quân sự đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất.

Kể từ khi ông Abe đứng đầu nội các chính phủ vào năm 2012, ngân sách quân sự của Nhật Bản đã tăng lên 13% GDP. Chi tiêu quốc phòng của Tokyo đạt mức kỷ lục sau chiến tranh – 50,3 tỷ USD. Năm 2018, Nhật bản xếp thứ 8 về chi tiêu quân sự trên thế giới.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhat-ban-se-thanh-lap-luc-luong-khong-gian-vu-tru-doi-trong-voi-trung-quoc-d499399.html