Nhật Bản sắp mở căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài

Ngày 15/10, báo Sankei Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, chính phủ nước này sẽ thành lập căn cứ quân sự vĩnh viễn đầu tiên ở nước ngoài. Theo đó, căn cứ này được đặt tại Djibouti, ngay tại cửa ngõ vào Biển Đỏ.

Tàu chiến Nhật Bản neo tại cảng ở Djibouti. Ảnh: Livejournal

Tàu chiến Nhật Bản neo tại cảng ở Djibouti. Ảnh: Livejournal

Hiện tại Djibouti thực tế đã có một căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được thành lập từ năm 2011, dưới hình thức một tàu khu trục hải quân và hai máy bay quân sự với nhiệm vụ triển khai chiến dịch tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden và Biển Đỏ.

Lực lượng của JSDF ban đầu chỉ bao gồm 100 người, hầu hết là lính bộ binh để bảo vệ trang bị và căn cứ tại Djibouti. Đến nay, quân số tăng dần với sự bổ sung lực lượng từ không quân và hải quân, lên tới 600 người.

Việc triển khai quân sang Djibouti chính là lần đầu tiên Nhật Bản điều quân ra nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ lâu, hải quân Nhật Bản đã tích cực tham gia hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc ở khu vực châu Phi.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, quyết định thành lập căn cứ quân sự lâu dài tại Djibouti được xem là cách để chính phủ nước này ứng phó với Trung Quốc - quốc gia đang cố gắng mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình tại Djibouti, cũng như đối với các tuyến đường biển chiến lược từ Đông Á đến châu Âu.

Hiện Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Djibouti về việc cho thuê một khu vực rộng 12 ha để xây dựng doanh trại, cơ sở hành chính và nhà kho.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hàng năm chi khoảng 30 triệu USD để duy trì căn cứ này. Song song với đó, JSDF ngày càng mở rộng hoạt động, tăng cường thêm các tàu chiến để kéo dài thời gian tuần tra, cũng như bảo đảm khả năng hộ tống tàu hàng quốc tế khi qua Vịnh Aden.

Djibouti là quốc gia nằm giữa châu Phi và châu Á, sở hữu vị trí chiến lược quan trọng - nằm ở eo biển, cửa ngõ đi vào Biển Đỏ, trên đường đến kênh đào Suez.

Hiện là con đường vận tải biển đứng thứ 4 trên thế giới, với 30.000 lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm. Với vị trí địa lý đó, Djibouti vốn được xem là mục tiêu của các cường quốc trên thế giới.

Hiện tại Djibouti đã có sự hiện diện quân sự của 5 nước như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Mỹ Nga

(Theo TASS)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nhat-ban-sap-mo-can-cu-quan-su-dau-tien-tai-nuoc-ngoai-218980.html