Nhật Bản rút khỏi IWC để tiếp tục đánh bắt cá voi

Hôm qua, nhà chức trách Nhật Bản tuyên bố, nước này sẽ rút lui khỏi Ủy ban Cá voi quốc tế (IWC) và sẽ tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá voi thương mại từ năm tới, một động thái được chờ đợi sẽ khuấy lên sự chỉ trích quốc tế.

Thống kê hiện lượng đánh bắt cá voi hành năm của Nhật Bản là từ 200 đến 1.200 tấn

"Chúng tôi đã quyết định rút khỏi Ủy ban Cá voi quốc tế để tiếp tục săn bắt cá voi vì mục đích thương mại, bắt đầu từ tháng 7 năm sau", phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga tuyên bố với các phóng viên.

Hãng AFP dẫn lời ông Suga cho biết, hoạt động đánh bắt cá voi thương mại của ngư dân sẽ chỉ giới hạn trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ không săn bắt ở vùng biển Nam Cực hoặc ở nam bán cầu", ông Suga giải thích.

Tuyên bố của Tokyo loan đi hôm qua sau khi chính quyền Nhật Bản thất bại trong một nỗ lực hồi đầu năm nay nhằm thuyết phục IWC cho phép nước này tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại. Trước đó, Tokyo đã nhiều lần đe dọa sẽ rút ra khỏi tổ chức quốc tế này và họ thường xuyên bị chỉ trích vì các hoạt động đánh bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm vì mục đích "nghiên cứu khoa học", bất chấp các cam kết về săn bắt động vật.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản cũng tiết lộ, Tokyo sẽ chính thức thông báo với IWC về quyết định rút khỏi tổ chức này vào cuối năm nay, điều này có nghĩa là quyết định của Nhật bản sẽ có hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Việc rời khỏi IWC có nghĩa là ngư dân của Nhật Bản không những sẽ có thể tiếp tục đánh bắt cá voi trên vùng biển của nước này mà còn được tiến hành những hoạt động tương tự ở các nơi khác vốn đang được IWC bảo vệ. Tuy nhiên, Tokyo sẽ không thể tiếp tục cái gọi là “đánh bắt cá voi để nghiên cứu khoa học” ở Nam Cực nữa- một hoạt động đã được IWC chấp nhận ngoại lệ và giới hạn số lượng đối với những quốc gia là thành viên của tổ chức này, chiểu theo theo bản Hiệp ước Nam Cực.

Hơn nữa, việc rút khỏi tổ chức này có nghĩa là Nhật Bản sẽ cùng với Iceland và Na Uy công khai thách thức lệnh cấm săn cá voi thương mại của IWC. Điều chắc chắn sẽ làm điên đầu các nhà bảo vệ động vật hoang dã cũng như những quốc gia chống săn bắt cá voi như Australia và New Zealand. Thậm chí là nó sẽ khiến làm chia rẽ sâu sắc thêm giữa hai phía các quốc gia chống và muốn săn bắt cá voi.

Trong quá khứ, Nhật Bản được biết tới là nước đã săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ và thịt của chúng là nguồn protein chính đối với người dân Nhật Bản ngay sau Thế chiến II, khi đất nước này vẫn con đang rất nghèo đói. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ thịt cá voi đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, do phần lớn người dân nói rằng, họ ít khi hoặc không bao giờ ăn thịt cá voi nữa.

Theo BBC, hoạt động đánh bắt cá voi thương mại đã bị IWC cấm vào năm 1986, sau khi một số loài gần như bị tuyệt chủng. Trong khi đó, giới chức Tokyo, một quốc gia thành viên của IWC từ năm 1951 vẫn luôn bảo vệ quan điểm ăn cá voi là một phần của văn hóa Nhật Bản. Trong một bản tuyên bố trước đó, chính phủ Nhật Bản cho biết, IWC không giữ đúng cam kết là hỗ trợ đánh bắt cá voi thương mại bền vững, đồng thời cáo buộc IWC chỉ tập trung vào mục đích bảo tồn các con số.

Ngay sau động thái mới nhất của Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Australia Melissa Price hôm qua đã lên tiếng, cho biết họ "vô cùng thất vọng" với quyết định của Tokyo.

"Úc vẫn kiên quyết phản đối tất cả các hình thức đánh bắt cá voi dù là thương mại hay khoa học”. Trước đó, người đứng đầu chiến dịch Humane Society International tại Australia, bà Nicola Beynon cũng chỉ trích Nhật Bản "hành xử như nằm ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế".

Còn ngay ở trong nước, tổ chức Greenpeace cũng kêu gọi chính phủ cấn cân nhắc và xem xét lại, đồng thời cảnh báo Tokyo sẽ đối diện nguy cơ bị chỉ trích mạnh khi đứng ra chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 tới.

Giám đốc điều hành tổ chức Greenpeace Nhật Bản Sam Annesley nói: "Tuyên bố hôm nay là đi ngược với cộng đồng quốc tế, phó mặc tương lai chứ nói gì đến việc cần kíp là bảo vệ đại dương cũng như những sinh vật nhiệm màu".

KIM LONG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhat-ban-rut-khoi-iwc-de-tiep-tuc-danh-bat-ca-voi-post233789.html