Nhật Bản quyết định xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Ngày 13-4, Chính phủ Nhật Bản quyết định xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào Thái Bình Dương vì xác định nước thải này không gây lo ngại về an toàn.

Theo Kyodo News, quyết định này của Chính phủ Nhật Bản kết thúc nhiều năm thảo luận về cách xử lý nước nhiễm phóng xạ dồn ứ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau thảm họa kép động đất-sóng thần vào tháng 3-2011. “Việc thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý là vấn đề không thể tránh khỏi đối với việc ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi”, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết sau khi đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp với các thành viên chính phủ nước này. Ông Suga Yoshihide nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tiến hành việc xả nước từ nhà máy ra biển trong điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, cũng như thực hiện các bước đi vững chắc để ngăn chặn thiệt hại cho ngành thủy sản. Về thời gian triển khai kế hoạch, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nêu rõ, sau khi xây dựng xong các cơ sở có liên quan tới việc xả nước cũng như bảo đảm các quy định an toàn, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước trong hai năm tới và quá trình này dự kiến kéo dài hàng thập kỷ.

 Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo News

Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo News

Ngày 11-3-2011, trận động đất khủng khiếp với cường độ 9,0 độ richter, kích hoạt sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi, dẫn đến tình trạng mất điện ở các lò phản ứng từ số 1 đến số 4. Hậu quả là các lò từ số 1 đến số 3 bị nóng chảy, buộc nhà máy phải bơm nước làm nguội. Bên cạnh đó, nước ngầm tại khu vực cũng bị nhiễm phóng xạ. Sau đó, Nhật Bản đã tiến hành xử lý nước nhiễm phóng xạ bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến ALPS và chứa trong các bể chứa tại nhà máy. ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium, chất được cho là ít gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi ở nồng độ thấp. Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý đang ở trong các bể chứa tại Nhà máy Fukushima Daiichi. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO)-đơn vị vận hành Nhà máy Fukushima Daiichi, cho biết, vào mùa thu năm 2022, lượng nước thải ra sẽ vượt quá sức chứa của các bể này. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản cần nhanh chóng tìm cách xử lý lượng nước thải hiện nay.

Tháng 2-2020, một tiểu ban của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã kết luận rằng, việc xả ra biển và làm bốc hơi là hai phương án khả thi nhất để giải phóng nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân này. Trong đó, phương án xả ra biển có tính khả thi hơn về mặt kỹ thuật. Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, chất tritium có trong nước thải từ Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ được pha loãng để làm giảm nồng độ xuống còn 1.500 becquerel/lít để bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nước uống trước khi xả ra biển.

Tuy nhiên, hai nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về quyết định trên của Tokyo. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định, Nhật Bản đã đưa ra quyết định đơn phương, cho rằng việc xả nước từ Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người dân ở các nước láng giềng. Cùng ngày, ông Koo Yun-cheol, người đứng đầu Văn phòng điều phối chính sách của Chính phủ Hàn Quốc, cho biết, nước này lấy làm tiếc về quyết định của Nhật Bản, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong khi đó, Mỹ bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Chính phủ Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Tokyo đã cân nhắc các lựa chọn, minh bạch trong việc đưa ra quyết định và chọn cách tiếp cận phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được toàn cầu chấp nhận. Washington mong đợi sự phối hợp và liên lạc từ Tokyo khi giám sát tính hiệu quả của phương pháp này. Về phần mình, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói rằng, việc làm của Nhật Bản là hợp lý về mặt khoa học và phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp hạt nhân trên thế giới.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, IAEA và Cơ quan năng lượng hạt nhân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng sẽ phối hợp với nước này trong việc triển khai kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển để mọi việc diễn ra một cách minh bạch.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhat-ban-quyet-dinh-xa-nuoc-nhiem-phong-xa-da-qua-xu-ly-ra-bien-656756