Nhật Bản nới lỏng thị thực cho lao động Việt Nam

Tờ Nikkei Asian Review ngày 12-12 đưa tin, chính phủ Nhật Bản sẽ ký các thỏa thuận song phương về lao động nước ngoài với tám nước châu Á bao gồm Việt Nam để chuẩn bị tiếp nhận lao động của các nước này đến Nhật làm việc theo một hạng mục thị thực mới sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 4 năm sau.

Các điều dưỡng Việt Nam được huấn luyện kỹ năng tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuần trước, Nhật Bản đã thông qua một đạo luật sửa đổi các quy định nhập cư để giới thiệu hai hạng mục thị thực mới dành cho lao động nước ngoài. Một thị thực cho phép những người có các kỹ năng chuyên biệt trong 14 ngành đang thiếu hụt lao động ở Nhật Bản như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... có thời hạn 5 năm và không được phép mang theo người hôn phối và con cái. Thị thực còn lại cho phép những người có các kỹ năng cao cấp làm việc và thường trú vô thời hạn ở Nhật Bản, được phép mang theo các thành viên gia đình.

Các thỏa thuận song phương mà Nhật Bản chuẩn bị ký với 8 nước châu Á nhằm tiếp nhận các lao động nước ngoài theo hạng mục thị thực thứ nhất.

8 nước này bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và một nước khác ở châu Á đang trong quá trình đàm phán. Để được đến Nhật làm việc, trước hết, lao động 8 nước này phải vượt qua cuộc thi kiểm tra trình độ tiếng Nhật Bản.

Các thỏa thuận trên không đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Nhật Bản và đó là kết quả từ các yêu cầu của một số nước bao gồm Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi cho các công dân của họ đang làm việc tại Nhật.

Thông qua các thỏa thuận này, chính phủ Nhật Bản muốn thiết lập một cơ chế cho phép cảnh sát thu thập thông tin về các công ty môi giới việc làm làm ăn bất chính. Nhiều công ty môi giới việc làm ở nước ngoài bị phát hiện tính phí môi giới việc làm cao ngất ngưỡng và buộc người lao động phải đặt cọc những khoản tiền lớn để được đến Nhật Bản làm việc theo Chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Theo các thỏa thuận song phương mà nước này chuẩn bị ký với 8 nước châu Á, các cơ quan thực thi luật pháp của hai bên sẽ chia sẻ thông tin để giúp phát hiện các công ty môi giới việc làm kinh doanh bất chính hoặc lừa đảo.

Ngoài ra, vào cuối năm nay, chính phủ Nhật Bản sẽ công bố chính sách mới áp dụng cho người lao động nước ngoài bao gồm các kế hoạch giúp cải thiện các điều kiện sống. Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đang ban hành các quy định hướng dẫn cho các ngân hàng để giúp họ mở tài khoản, cho phép họ dễ dàng quản lý tiền lương. Hiện nay, rất khó để các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài mở tài khoản ngân hàng ở Nhật Bản nên đa phần họ nhận lương bằng tiền mặt.

Theo luật mới, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các công ty phải trả lương cho lao động nước ngoài ở mức ngang bằng hoặc hơn mức lương tối thiểu của người lao động trong nước. Nếu tranh chấp về tiền lương xảy ra, nhà chức trách có thể kiểm tra tài khoản của người lao động nước ngoài để biết mức lương của họ.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thành lập khoảng 100 trung tâm tư vấn đa văn hóa ở các tỉnh thành. Tất cả các cơ sở y tế ở Nhật Bản phải trang bị thêm để cung cấp các dịch vụ y tế cho người lao động nước ngoài. Ngân sách cho năm tài chính 2019 của Nhật Bản sẽ bao gồm 20 - 30 tỉ yen cấp cho các cơ sở giáo dục để dạy các kỹ năng đàm thoại tiếng Nhật cho người lao động nước ngoài

Cạnh tranh thu hút lao động Việt Nam

Theo tờ The Yomiuri Shimbun, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản chuẩn bị đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài, các chính quyền địa phương ở nước này đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút lao động Việt Nam.

Ông Kensaku Morita, tỉnh trưởng tỉnh Chiba đến TPHCM từ ngày 18-21/11 để thăm một công ty phát triển nhân lực đã gửi 1.500 thực tập sinh kỹ thuật và sinh viên Việt Nam đến Nhật Bản vào năm ngoái. Thông qua chuyến thăm, ông Morita muốn thiết lập kế hoạch tuyển dụng lao động Việt Nam đến tỉnh này làm việc trong ngành điều dưỡng vốn đang thiếu thốn nhân lực trầm trọng. Ông đã giới thiệu với các lãnh đạo công ty này chính sách hỗ trợ nơi ở cho người lao động lao động nước ngoài ở tỉnh Chiba.

Ông nói: “Chúng tôi muốn giúp họ (người lao động Việt Nam) cảm thấy thoải mái khi làm việc ở tỉnh Chiba. Ông cho biết ông nghe các công ty tại Nhật Bản nhận xét rằng người Việt Nam siêng năng, trung thực giống như người Nhật Bản.

Hồi tháng 7, chính quyền thành phố lớn thứ hai Nhật Bản Yokohama cũng đã gửi các quan chức cấp cao đến TPHCM, Đà Nẵng và một số nơi khác ở Việt Nam để ký kết thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác tuyển dụng nhân sự điều dưỡng cho thành phố này. Chính quyền các tỉnh khác như Saitama, Gunma và Aichi cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với chính quyền trung ương và các chính quyền thành phố ở Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, năm ngoái số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng lên mức 240.000 người, đứng thứ hai (sau Trung Quốc) trong số các nước gửi lao động đến Nhật Bản. Con số này tăng gấp 9 lần chỉ trong 5 năm qua. Các tỉnh thành ở Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về lao động Việt Nam để thay thế lao động Trung Quốc do mức lương ở Trung Quốc đang tăng.

Tuy nhiên, số lao động Việt Nam ở Nhật Bản tăng lên cũng kéo theo các lo ngại khác, bao gồm nhiều trường hợp lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm việc và sau đó “mất tích” hoặc phạm pháp. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm ngoái 3.751 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam “mất tích” tại Nhật Bản, trong khi đó, Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết người Việt Nam dính líu đến 5.140 vụ án hình sự.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282897/nhat-ban-noi-long-thi-thuc-cho-lao-dong-viet-nam.html