Nhật Bản lựa chọn đầu tư dài hạn ở Việt Nam

Tình hình sức khỏe và xu hướng phát triển của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam thể hiện rõ sự lạc quan trong năm tài chính 2018. Đó là nét chính trong kết quả khảo sát thực trạng đầu tư của các DN nước này tại châu Á, châu Đại Dương, vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố.

Tình hình sức khỏe và xu hướng phát triển của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam thể hiện rõ sự lạc quan trong năm tài chính 2018. Đó là nét chính trong kết quả khảo sát thực trạng đầu tư của các DN nước này tại châu Á, châu Đại Dương, vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố.

6.000 lượt nhà đầu tư đến Việt Nam mỗi năm

Ông Ki-ta-ga-oa Hi-rô-nô-bu, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh: kết quả khảo sát cho thấy có tới 69,8% số DN Nhật Bản dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, là mức cao nhất so với nhiều nước cùng khu vực được khảo sát, gồm Phi-li-pin (52,4%), In-đô-nê-xi-a (49,2%), Thái-lan (52,2%), Ma-lai-xi-a (54%) và Trung Quốc (48,7%). Lý do chính của việc mở rộng hoạt động kinh doanh là khả năng tăng doanh thu. Bên cạnh đó, DN Nhật Bản kỳ vọng vào nhiều tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam như khả năng tăng trưởng, quy mô thị trường, chi phí nhân công rẻ, môi trường sống tốt cho nhân viên người nước ngoài... So với quốc gia khá tương đồng là Phi-li-pin, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có sức hút hơn nhờ có sự ổn định về chính trị.

Đáng lưu ý, có tới 65,3% số DN Nhật Bản được khảo sát cho biết hoạt động có lãi, tăng 0,2 điểm so với năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ có lãi đối với DN thành lập trước năm 2010 luôn ổn định ở mức khoảng 80% và 67,1% DN trong số đó có kế hoạch mở rộng đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Vũ Đại Thắng đánh giá, đây là kết quả “gợi lên nhiều hàm ý chính sách” trong bối cảnh 52% DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam báo lỗ. Lợi nhuận cao nhất thuộc về các DN hoạt động trong ngành chế tạo. “Điều đó cho thấy DN Nhật Bản chọn con đường đầu tư lâu dài và Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng của nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Ki-ta-ga-oa Hi-rô-nô-bu nói.

Theo JETRO, các DN Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ở các địa phương thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ có các tập đoàn lớn, DN nhỏ và vừa (DNNVV) Nhật Bản cũng đã tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng sang ngành du lịch, dịch vụ (bán lẻ, phân phối, vận tải), không còn chỉ tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên đến nay, công nghiệp chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư cao nhất. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã tăng từ mức 33,2% năm 2017 lên 36,3% vào năm 2018, là mức tăng cao nhất trong số các nước được khảo sát. Nếu so với các nước châu Á khác, Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa từ Nhật Bản và Trung Quốc cao và năm 2018 là lần đầu tiên vượt Ma-lai-xi-a. Tính chung từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam giữ chiều hướng tăng dần và vẫn có dư địa để cải thiện tỷ lệ này.

Tính đến cuối năm 2018, hơn 1.900 DN Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. JETRO cho biết, mỗi năm có khoảng 6.000 lượt nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Định hướng đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh

Vốn FDI Nhật Bản được xem là dòng vốn chính, là hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với các hoạt động thúc đẩy hợp tác đầu tư, giữa hai nước còn thiết lập mô hình hợp tác đặc biệt Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nhằm tạo ra diễn đàn đối thoại về chính sách rất hiệu quả và năng động giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản còn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều tổ chức của nước này trong việc đầu tư sang Việt Nam như hỗ trợ các chi phí quảng cáo, cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện tốt để DN Nhật Bản bán hàng tại Việt Nam...

Tuy nhiên, môi trường đầu tư Việt Nam cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, tiềm ẩn những rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và cho DN Nhật Bản nói riêng. Theo ông Ki-ta-ga-oa Hi-rô-nô-bu, những rủi ro đó tập trung vào các yếu tố: Giá nhân công tăng; thuế và thủ tục thuế phức tạp; thủ tục hành chính; tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao và pháp luật chưa rõ ràng. Trong đó, riêng yếu tố pháp luật có chiều hướng chậm được cải thiện, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và vận hành chưa minh bạch. Thí dụ trong một số trường hợp cần tuyển lao động, DN không biết cần nộp những loại giấy tờ gì. Hoặc đầu tư vào một số địa phương, DN không có đủ thông tin về chính sách bảo hộ ra sao, đặc biệt là với ngành công nghiệp ô-tô.

Trước xu hướng chuyển dịch đầu tư của dòng vốn FDI sang các lĩnh vực phi chế tạo, đại diện JETRO cho rằng Việt Nam cần có định hướng lựa chọn để thu hút đầu tư có trọng điểm từ ngành thế mạnh của DN Nhật Bản nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho cả hai bên. Trước đó tại cuộc họp với Bộ KHĐT, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, bảo đảm đủ điện và phát triển mạng lưới DN công nghệ thông tin, sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo đảm tính liên tục, ổn định của chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng khẳng định, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh để thu hút có hiệu quả vốn FDI. Các vấn đề liên quan chính sách thuế và các loại quỹ phải đóng như kiến nghị của DN Nhật Bản sẽ được cơ quan này phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công thương làm rõ, có báo cáo và xử lý triệt để trong tương lai. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đề xuất sửa Luật Đầu tư nhằm cụ thể hóa quan điểm và định hướng mới của Đảng và Nhà nước trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là thu hút vốn FDI thế hệ mới.

Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai; đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2018, có 130 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 57 tỷ USD, chiếm 16,7%. Trong hai năm 2017-2018, Nhật Bản liên tục dẫn đầu danh sách.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39452302-nhat-ban-lua-chon-dau-tu-dai-han-o-viet-nam.html