Nhật Bản lo ngại hệ thống tên lửa đời mới của Triều Tiên

Radar của lực lượng phòng vệ Nhật Bản không có khả năng theo dõi các tên lửa tầm ngắn mới của Bình Nhưỡng theo sau các cuộc thử nghiệm gần đây khiến Tokyo lo ngại rằng hệ thống vũ khí mới của Triều Tiên có thể quá tiên tiến đối với các hệ thống phòng thủ hiện tại của Nhật Bản.

Giữa các cuộc đối thoại xung quanh công nghệ và khả năng phòng thủ của Arab Saudi, một cuộc đối thoại tương tự vừa mới bắt đầu ở Thái Bình Dương sau khi các radar quốc phòng của Nhật Bản không thể theo dõi loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên.

Trong nhiều tuần qua, Triều Tiên Kim Jong Un đã tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm bao gồm việc công bố công nghệ tên lửa tầm ngắn hiện đại nhất của họ là KN-23 cho thế giới.

Các nguồn tin nói với Japan Times rằng tàu khu trục tự vệ Hàng hải được trang bị Hệ thống Chiến đấu Aegis ở Biển Nhật Bản và radar do Lực lượng Phòng vệ Không quân điều hành đều gặp vấn đề khi dò tìm đầu đạn. Các nguyên nhân khiến radar khó dò tìm các tên lửa là do quỹ đạo bay không đều, cùng với việc các tên lửa thế hệ mới chỉ bay ở độ cao 60 km, thấp hơn mức trung bình so với tên lửa thông thường.

Tờ Japan Times đưa tin hôm thứ Hai rằng chính phủ Nhật Bản phải hành động nhanh chóng và phù hợp với công nghệ tinh vi của loại đầu đạn mới, được cho là giống với tên lửa chiến thuật MGM-140 được cả Mỹ và Hàn Quốc sử dụng.

Theo ông Kim You Geun từ Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, sự thất bại trong việc phát hiện tên lửa của Nhật Bản cũng xảy ra trong bối cảnh Hàn Quốc tuyên bố đơn phương chấm dứt Thỏa thuận Thông tin Quân sự (GSOMIA) năm 2016 với Nhật Bản vào ngày 22/8.

"Trong những trường hợp này, chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc duy trì thỏa thuận hiện không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Kim nói.

Huy Vũ

Theo Sputnik

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/nhat-ban-lo-ngai-he-thong-ten-lua-doi-moi-cua-trieu-tien-155655.html