Nhật Bản: Kỳ vọng mới mang tên Reiwa!

Sau rất nhiều chờ đợi, sáng 1/5/2019, Hoàng Thái tử Naruhito chính thức lên ngôi Hoàng đế Nhật Bản với niên hiệu Reiwa. Với những thần dân của xứ sở Mặt trời mọc, tên gọi Reiwa với ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa những an lành, sẽ mang lại may mắn và giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh.

Niên hiệu Reiwa bắt đầu, một sứ mệnh đã được trao truyền. Ảnh: AFP

Reiwa- không chỉ là một cái tên...

Niên hiệu Reiwa thực ra đã được Chính phủ Nhật Bản chính thức thông báo từ cách đây đúng một tháng, ngày 1/4. Reiwa theo phiên âm Hán-Việt có thể đọc là “Lệnh Hòa” hoặc “Linh Hòa”.

Hoàng Thái tử Naruhito được dâng các loại thần khí tại lễ lên ngôi Hoàng đế ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/5/2019. Ảnh: Kyodo

Niên hiệu mới là vấn đề được nhiều người quan tâm tại Nhật Bản. Bởi lẽ, tại Nhật Bản, các văn bản hành chính, chính sách và hoạt động của người dân cũng như các cuốn lịch, các tờ báo hầu hết được tính theo năm của niên hiệu và ít sử dụng năm dương lịch.

Điều đáng lưu ý là tại Nhật Bản, niên hiệu không do nhà vua lựa chọn mà là nội các Nhật Bản. Đơn cử như cái tên Reiwa được lựa chọn là kết quả của một tiến trình làm việc công phu của nội các chính phủ đương nhiệm. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, Nội các Nhật phải tham vấn 9 chuyên gia văn học cũng như các lãnh đạo Hạ viện để “chốt” niên hiệu. Quá trình lựa chọn rất phức tạp với nhiều "tiêu chí" nghiêm ngặt như: Tên gọi mang ý nghĩa tích cực, đại diện cho lý tưởng của nhân dân; Có 2 ký tự kanji; Dễ đọc và dễ viết; Không trùng với tên niên hiệu hoặc thụy hiệu (tên hiệu sau khi qua đời) của một hoàng đế nào; Không phải là một từ hoặc một cụm từ thông dụng...

Reiwa- tên gọi niên hiệu của triều đại thứ 248 ở "đất nước Mặt trời mọc"- được lấy ra từ một tập thơ cổ từ thế kỷ thứ 7 có tên “Manyoshu”. Đây là tập thơ lâu đời nhất của Nhật Bản, là biểu tượng của nền văn hóa phong phú và truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Trong cuốn này, Reiwa mang ý nghĩa một mùa Xuân mới, lan tỏa hòa bình. Chữ “Lệnh”- rei- mô tả về tháng trong khi “Hòa” nói về làn gió Xuân mềm mại, dịu dàng. “Hòa”-wa- còn có nghĩa hòa bình hay Nhật Bản trong những ngữ cảnh khác. “Lệnh Hòa” có thể được hiểu theo nghĩa “sự hài hòa tốt đẹp”.

Nhật Bản hiện là nước duy nhất trên thế giới duy trì hệ thống niên hiệu, vốn bắt nguồn từ Trung Quốc. Cho đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Thiên hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Tuy nhiên, chỉ từ sau năm 701 niên hiệu mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Thiên Hoàng tại vị.

Các niên hiệu trong thời hiện đại tại Nhật Bản gồm Meiji (Minh Trị, 1868-1912), Taisho (Đại Chính, 1912-1926), Showa (Chiêu Hòa, 1926-1989) và Heisei (Bình Thành) có nghĩa là “giành được hòa bình”, được sử dụng từ ngày 8-1-1989, một ngày sau khi Nhật Hoàng Hirohito băng hà.

Kỷ nguyên mới cho đất nước Nhật Bản?

Niềm vui của người dân Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo cách đây tròn một tháng nhân sự kiện công bố niên hiệu mới Reiwa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh: “Ý nghĩa đằng sau cái tên Reiwa đó là văn hóa được sinh ra, được nảy nở khi trái tim của con người được kéo lại gần nhau hơn. Chúng tôi quyết định đặt tên này vì chúng tôi cho rằng, đây là cái tên hay nhất thể hiện hy vọng của đất nước và người dân Nhật Bản về một kỷ nguyên mới cho đất nước”.

Cùng chung suy nghĩ với người đừng đầu Chính phủ, nhiều người dân Nhật Bản cũng đều bày tỏ hy vọng, niên hiệu mới với ý nghĩa "trật tự, hòa bình và hòa hợp" sẽ mang lại may mắn và giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh.

Những năm gần đây, chính sách kinh tế kinh tế mới được khởi xướng bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tên gọi Abenomics giai đoạn hai (còn gọi là chính sách Abenomics 2.0) nhấn mạnh mục tiêu kinh tế gắn hơn với an sinh xã hội, nới lỏng tiền tệ… đã mang lại những đổi thay tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản.

GDP thực tế của Nhật Bản đã tăng 6,3% so với trước đó. Đặc biệt GDP danh nghĩa sau 5 năm đã tăng trưởng hơn 10%. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Tháng 1/2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng thứ 74 liên tiếp. Đây là giai đoạn tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế này kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Việc Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi Nhật hoàng đã mang lại tâm lý tích cực cho người dân Nhật Bản. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như già hóa dân số và nợ công đứng ở mức cao. Trong báo cáo kinh tế tháng 4/2019, Chính phủ Nhật Bản đã hạ thấp mức dự báo về nền kinh tế lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua.

Để một đất nước, một nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ, sẽ phải đòi hỏi nhiều yếu tố. Nhưng, cũng không thể không thừa nhận sự kiện tân Hoàng thái tử Naruhito lên ngôi đã, đang và sẽ mang lại tâm lý tích cực cho người dân Nhật Bản. Và, niên hiệu Reiwa với ý nghĩa thượng tôn, lớn lao: hòa bình, hòa hợp, an lành, tốt đẹp sẽ có tác động không nhỏ trong việc kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Một kỷ nguyên mới đã mở ra, và với người dân xứ sở Mặt trời mọc, "sứ mệnh" còn lại chỉ là nỗ lực và hy vọng, cho sự chuyển mình mạnh mẽ hơn, tích cực hơn của đất nước Nhật Bản.

Trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ, khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Đến nay, Abenomics đã được triển khai qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1(Abenomics 1.0), bắt đầu từ cuối năm 2012, kết thúc vào tháng 8/2015 với 3 “mũi tên”: Chính sách tiền tệ mạnh dạn; Chính sách tài chính cơ động; Xây dựng chiến lược tăng trưởng mới. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9/2015 đến nay cũng có 3 “mũi tên” mới gồm: Phát triển kinh tế; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em; Đảm bảo an sinh xã hội.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhat-ban-ky-vong-moi-mang-ten-reiwa-post61195.html