Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng giao thông công cộng tự động

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao việc xây dựng mô hình Hệ thống giao thông công cộng tự động có dẫn hướng (AGT) tại Đà Nẵng của Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch giao thông Nhật Bản (JTPA) đề xuất.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng giao thông công cộng tự động. Ảnh japan.net.vn

Đồng thời khẳng định Đà Nẵng luôn ưu tiên các giải pháp phù hợp để mở rộng hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân trong tương lai.

Ngày 23/11, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có buổi tiếp ông Nakata Yasuhiro, Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch giao thông Nhật Bản (JTPA) trong khuôn khổ chuyến khảo sát đầu tiên của JTPA tại Đà Nẵng nhằm đánh giá sơ bộ khả năng áp dụng mô hình Hệ thống giao thông công cộng tự động có dẫn hướng (AGT).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở ngành phối hợp với JTPA để sớm triển khai nghiên cứu các phương án khả thi để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị trên cơ sở đề xuất khảo sát của JTPA

Trong đó, lưu ý nguy cơ AGT có thể làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị nếu xây dựng các tuyến AGT đi qua khu vực đô thị và nội thành. Đặc biệt, cần xem xét tính tương hỗ, bổ trợ của AGT với các hệ thống vận tải công cộng khác mà thành phố đang triển khai như xe bus công cộng, BRT để đảm bảo khai thác hiệu quả, tránh chồng lấn và lãng phí. Từ đó, các sở ngành có đề xuất cụ thể hơn về hình thức đầu tư và khả năng hỗ trợ vốn từ phía Chính phủ Nhật Bản đối với dự án.

Theo ông Nakata Yasuhiro, Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch giao thông Nhật Bản (JTPA), AGT là giải pháp tối ưu cho hệ thống vận tải đô thị tầm trung, đã được áp dụng tại thành phố Tokyo, Yokohama, Kobe, Osaka (Nhật Bản) và các nước Singapore, Hoa Kỳ, Hồng Kông... AGT là hệ thống vận tải trên cao, sử dụng tàu nhiều khoang và có bánh cao su, di chuyển trong phạm vi từ 5 - 30km, việc xây dựng đường tàu trên cao không gây phát sinh chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ngoài lợi ích để chuyên chở hành khách, AGT còn giúp tăng thêm giá trị bất động sản xung quanh vị trí tuyến AGT đi qua. Đặc biệt, chi phí xây dựng AGT thấp hơn 1/3 lần so với xây dựng tàu điện ngầm (metro), với công nghệ hiện đại và khả năng bảo dưỡng phù hợp, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng từ 50 năm trở lên.

Về phía JTPA trong thới gian tới sẽ phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát chi tiết và đề xuất hỗ trợ vốn xây dựng mô hình Hệ thống giao thông công cộng tự động có dẫn hướng (AGT) tại Đà Nẵng.

Hiệp hội Quy hoạch giao thông Nhật Bản (JTPA) là tổ chức công phi lợi nhuận, tiến hành hỗ trợ phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt về hệ thống giao thông tích hợp và sử dụng đất hiệu quả trên cơ sở những phát minh và đổi mới công nghệ để đảm bảo nhu cầu của hành khách và mạng lưới kết nối. JTPA hiện có 100 hội viên, bao gồm các doanh nghiệp, nhà sản xuất, công ty xây dựng và tư vấn liên quan đến lĩnh vực giao thông và quy hoạch đô thị… JPTA thường xuyên tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng gồm đường sá, hệ thống đường sắt, ray đường sắt, nhà xe lửa, cảng biển và sân bay; đồng thời quảng bá các hệ thống giao thông tiên tiến và xúc tiến xây dựng các nhà ga mới.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhat-ban-ho-tro-da-nang-xay-dung-giao-thong-cong-cong-tu-dong-147283.html