Nhật Bản: Đề cao tính kỷ luật và trách nhiệm với cộng đồng

Lấy những quy tắc được gọi chung là Edo Shigusa làm chuẩn mực, theo thời gian, người Nhật Bản đã xây dựng văn hóa ứng xử trong hầu hết các môi trường giao tiếp, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng.

Là đất nước phát triển, mạng lưới giao thông thuận tiện, thế nhưng người dân Nhật Bản thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng. Giao thông ở đất nước này luôn thông thoáng, rất hiếm khi xảy ra tai nạn, tiếng ồn cũng rất ít.

Người Nhật Bản đề cao tính kỷ luật, trật tự trên các phương tiện giao thông công cộng.

Người Nhật luôn giữ gìn nét đẹp văn hóa ứng xử trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả mọi nơi. Trên các chuyến xe buýt, bạn dễ dàng nhận thấy tính kỷ luật, trật tự của họ. Ở các trạm dừng, mọi người kiên nhẫn xếp hàng chờ xe. Các chuyến xe cứ mỗi 300 - 500m lại dừng, khách lên xuống liên tục, tuy nhiên, hầu như không có tiếng cãi cọ, hành vi xô đẩy hay chen lấn. Trên xe có cả người già, trẻ em, từ những bạn trẻ ở độ tuổi sinh viên, học sinh đến hành khách trung niên tay xách cặp... Mỗi người một việc: Người tranh thủ chợp mắt, người đọc sách, người nghe nhạc...

Nói như vậy không có nghĩa người Nhật thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh. Nếu người già hay người khuyết tật lên xe, ngay lập tức sẽ có ghế cho họ dù xe buýt đang rất đông, thậm chí họ còn được những người xa lạ cẩn thận dìu đến chỗ ngồi. Nếu như vô tình để quên đồ trên xe buýt thì khả năng người nhặt được đồ chủ động liên hệ để trả lại bạn là rất lớn. Có người nhặt được của rơi còn gửi bưu điện đến “khổ chủ”, hoặc đến tận nhà để bàn giao.

Mỗi chiếc xe buýt tại Nhật chỉ có lái xe - người kiêm “chức” nhân viên thu phí cũng như đón và tiễn khách. Tại các trạm dừng xe buýt, tài xế dừng hẳn xe rồi mới cho cửa mở, đồng thời quan sát kính chiếu hậu để bảo đảm toàn bộ hành khách đã lên/ xuống xe và ngồi/ đứng an toàn rồi mới cho xe lăn bánh.

Với tàu điện ngầm, cách ứng xử của hành khách cũng có nhiều điểm giống như khi đi xe buýt. Tuy nhiên, tại mỗi nhà ga có dán những quy định khi đi tàu như: Không cố chạy đuổi theo tàu hay cản trở người khác lên tàu; không gây tiếng ồn, không xả rác bừa bãi; không ăn uống trên tàu; nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em... và không ngồi vào ghế ưu tiên nếu không thuộc đối tượng này.

Có một điểm khá khác biệt giữa Nhật Bản và nhiều quốc gia khác là trên các phương tiện công cộng, người dân thường không nghe điện thoại. Mặc dù không có quy định cấm điều này, tuy nhiên, với người Nhật Bản, việc gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng tới người khác là điều tối kỵ. Ngay từ bé, người Nhật đã được dạy rằng, có thể làm gì tùy ý trong không gian riêng nhưng ở nơi công cộng thì phải tuyệt đối tôn trọng quy tắc chung. Một trong những quy tắc đó là giữ trật tự.

Có 4 hành vi im lặng được coi như triết lý và là nội dung quan trọng trong môn học đạo đức của người dân xứ Phù tang, đó là: Đọc sách trong im lặng; vệ sinh lớp học trong im lặng; suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng. Ở trường, học sinh sẽ dành 15 phút mỗi sáng để đọc sách trong không gian yên tĩnh. Các em có thể đọc những cuốn sách mà mình tự mang đi, hoặc mượn từ thư viện. Các trường học không có người dọn vệ sinh, việc này do chính học sinh đảm nhiệm. Đặc biệt, trong quá trình dọn vệ sinh, tất cả đều giữ im lặng và tập trung vào phần việc được phân công. Đó là cơ hội để trẻ em rèn luyện sự nhẫn nại, tôn trọng sức lao động của người khác. Còn bài học im lặng khi di chuyển sẽ giúp các em tránh gây ồn ào, không làm ảnh hưởng tới người xung quanh.

Vì thế, không có gì quá bất ngờ khi thấy trên tàu điện hay xe buýt ở Nhật Bản lúc nào cũng yên tĩnh như trong một thư viện. Nếu có nói chuyện thì cũng là nói nhỏ nhẹ, khẽ khàng. Mỗi khi điện thoại có cuộc gọi đến, hành khách sẽ gửi tin nhắn để thông báo rằng mình đang di chuyển trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm, hoặc nói nhỏ “Xin lỗi, hiện tại tôi đang trên tàu”. Nhiều người chọn cách chuyển máy về chế độ im lặng hoặc chế độ rung.

Do đề cao lối sống văn hóa, mỗi người dân Nhật Bản luôn thể hiện trách nhiệm cao với chính bản thân và cộng đồng nên dù phải tuân thủ rất nhiều quy tắc, lễ nghi trong giao tiếp, ứng xử ở mọi nơi, họ không hề cảm thấy gò bó hay áp lực. Họ hiểu rằng, những quy tắc đó giúp xây dựng một xã hội văn minh, những con người Nhật Bản lịch lãm. Và chính sự văn minh, tinh tế trong ứng xử, tinh thần đoàn kết và nỗ lực học hỏi đã góp phần giúp một đất nước nghèo về tài nguyên, thường xuyên đối mặt với thiên tai như Nhật Bản vươn mình trở thành cường quốc.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/972962/nhat-ban-de-cao-tinh-ky-luat-va-trach-nhiem-voi-cong-dong