Nhật Bản đặt cược lớn vào lao động nhập cư

Kế hoạch đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh dấu sự thay đổi lớn của Nhật Bản trong lập trường về vấn đề nhập cư.

Song kế hoạch này được dự báo sẽ vấp phải các rào cản chính trị trước các lo ngại lao động nhập cư tăng lên sẽ khiến người Nhật mất việc, tội phạm gia tăng hay cơ sở hạ tầng quá tải.

Một điều dưỡng người Indonesia chăm sóc người già tại một cơ sở dưỡng lão ở thành phố Tenri, tỉnh Nara, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Hai thị thực mới dành cho lao động nước ngoài

Theo tờ Nikkei Asian Review, nội các Nhật Bản vừa thông qua dự luật giới thiệu hai hạng mục thị thực mới cho lao động nước ngoài. Một hạng mục thị thực dành cho lao động nước ngoài có một số kỹ năng và trình độ tiếng Nhật nhất định. Những người này có thể đến Nhật Bản một mình và ở lại làm việc lên đến 5 năm và sau đó, không được gia hạn thị thực. Hạng mục thị thực còn lại dành cho lao động nước ngoài có kỹ năng cao, những người được phép mang theo gia đình (người hôn phối và con cái) khi sang Nhật Bản làm việc và có thể thường trú vĩnh viễn tại Nhật Bản nếu có hợp đồng lao động hợp lệ.

Dự luật quy định lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo hai hạng mục thị thực mới chỉ được làm việc trong những ngành nghề đang thiếu hụt lao động. Ở hạng mục thị thực đầu tiên, có khoảng 14 lĩnh vực lao động chân tay như nông nghiệp, xây dựng đang khan hiếm lao động, trong khi đó, ở hạng mục thị thực thứ hai, chỉ có khoảng 5 lĩnh vực cần kỹ năng cao đang thiếu lao động.

Dự luật trên đã được chuyển cho quốc hội Nhật Bản xem xét để có thể kịp thông qua trong kỳ họp kéo dài đến ngày 10-12. Nếu dự luật được thông qua, chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai chương trình thị thực mới dành cho lao động nước ngoài vào tháng 4-2019.

Về mặt chính thức, Nhật Bản cấm người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay ở nước này. Song trên thực tế, Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào lao động nước ngoài để lấp khoảng trống nhân lực trong các ngành nghề sử dụng lao động chân tay thông qua các chương trình cho phép sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian và Chương trình thực tập sinh kỹ thuật (TITP), cho phép người nước ngoài đến Nhật làm việc trong thời gian tối đa 5 năm. TITP từ lâu bị trích chỉ vì để xảy ra nhiều vi phạm nhân quyền, từ việc ép người lao động làm việc quá giờ, trả lương thấp cho đến đánh đập người lao động.

Dù được ca ngợi như là chương trình hợp tác quốc tế, giúp lao động ở các nước đang phát triển rèn luyện kỹ năng lao động ở Nhật Bản để trở về đóng góp cho sự phát triển kinh tế của nước họ nhưng TITP thực chất là công cụ để tìm kiếm lao động giá rẻ từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Nhiều thực tập sinh nước ngoài phải vay mượn số tiền lớn để sang Nhật Bản làm việc hoặc phải đặt cọc số tiền lớn cho các công ty môi giới việc làm (để đề phòng trường hợp họ bỏ việc). Vì vậy, họ không dám bỏ việc dù bị trả lương thấp hay làm việc quá giờ.

Theo dự luật mới, các thực tập sinh nước ngoài có kinh nghiệm làm việc ở Nhật Bản từ 3 năm trở lên có thể xin chuyển sang hạng mục thị thực thứ nhất mà không cần phải trải qua cuộc thi kiểm tra kỹ năng lao động và tiếng Nhật. Có nghĩa là trên lý thuyết, người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay của Nhật Bản có thể ở lại Nhật Bản đến 10 năm.

Dự luật mới cũng sẽ đưa ra các quy định bắt buộc các công ty ở Nhật Bản phải nỗ lực bảo đảm lao động nước ngoài được hưởng lương, phúc lợi và các điều kiện làm việc tương đương với người lao động bản xứ.

Giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực

Dự luật mới được giới thiệu trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già và suy giảm ở Nhật Bản, dẫn đến khan hiếm nhân lực trong nhiều ngành nghề. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ không thể phát triển bền vững nếu không có lao động nước ngoài. Với tỷ lệ sinh đang ở gần mức thấp nhất từ trước đến nay, lực lượng dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 75,96 triệu người vào năm ngoái, thấp hơn 13% so với mức đỉnh vào năm 1995. Con số này được dự báo sẽ rơi về mức 70 triệu người vào năm 2030 và 60 triệu người vào năm 2040.

Trong khi đó, số lao động nước ngoài ở Nhật Bản tính đến tháng 10-2017 đang ở mức kỷ lục 1,27 triệu người, tăng 18% so với năm trước đó. Song thị trường lao động Nhật Bản vẫn khan hiếm. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức 2,3% trong tháng 9-2018, sát với mức thấp nhất kể từ năm 1992. Tại cuộc họp báo hôm 2-11, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Tạo ra một điều kiện cư trú mới để tiếp nhận lao động người ngoài là điều cực kỳ quan trọng khi dân số của đất nước chúng ta đang suy giảm và các doanh nghiệp của chúng ta thiếu thốn nhân sự”.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp nhận 40.000 lao động nước ngoài trong năm đầu tiên triển khai chương trình thị thực mới và con số này sẽ tăng lên hơn 500.000 người sau vài năm. “Các quy định thị thực mới sẽ giúp dễ dàng thuê lao động nước ngoài hơn trong các lĩnh vực chẳng hạn như y tế, nơi tình trạng thiếu hụt nhân lực đang đặc biệt nghiêm trọng”, Marcel Thieliant, nhà kinh tế cao cấp ở Công ty tư vấn Capital Economics (Anh), nói.

Các cản lực chính trị

Các biện pháp quản lý nghiêm ngặt người nước ngoài làm việc ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giúp xã hội Nhật Bản duy trì tính thuần nhất tương đối cao so với các nước phát triển khác. Song hiện thực khắc nghiệt về tình trạng lực lượng dân số già và đang suy giảm đã thúc bách chính phủ của ông Abe quyết định xúc tiến kế hoạch nới lỏng thị thực để tiếp nhận thêm nhiều lao động nước ngoài, một động thái có thể dẫn đến các tác động lâu dài về kinh tế và xã hội.

Để được thông qua, dự luật trên cần phải vượt qua các cản lực chính trị. Một số thành viên bảo thủ của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ trích dự luật vì lo ngại nó sẽ mở đường cho khả năng thường trú vĩnh viễn của lao động nước ngoài tại Nhật Bản hoặc có thể làm gia tăng tỷ lệ tội phạm và đặt ra những thách thức cho việc quản lý số người nước ngoài ngày càng tăng ở Nhật Bản.

Người phát ngôn của Công ty tuyển dụng việc làm JAC Recruitment (Nhật Bản) cho biết các nước phương Tây thường hạn chế nhập cư trong thời kỳ kinh tế suy yếu vì người dân lo ngại việc làm sẽ rơi vào tay các lao động nước ngoài.

Cuộc tranh cãi về dự luật giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập cũng đang nóng lên. Yuichiro Tamaki, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân (DPFP) đối lập, gọi dự luật là “một vấn đề liên quan đến các nền tảng của xã hội Nhật Bản”. Các nghị sĩ từ các đảng đối lập chỉ trích ông Abe vội vã thúc đẩy dự luật trong khi, điều cần ưu tiên là khắc phục các khiếm khuyết của Chương trình thực tập sinh kỹ thuật.

Ông Shinzo Abe đã cố tìm cách làm giảm bớt các mối lo ngại về dự luật khi nói rằng, sau được thông qua dự luật sẽ được xem xét sửa đổi trong vòng ba năm sau đó. Dự luật còn bao gồm một điều khoản không cho phép lao động nước ngoài làm việc trong các ngành nghề mà vấn đề thiếu hụt lao động đã được giải quyết. Tại cuộc tranh luận căng thẳng về dự luật tại Quốc hội Nhật Bản hôm 1-11, ông Abe nói: “Hãy để tôi nói rõ: Chúng ta không theo đuổi chính sách nhập cư như thông thường”.

Bộ Trưởng Tư pháp Nhật Bản Takashi Yamashita nói chính phủ sẽ không đặt hạn ngạch cụ thể về số lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo chế độ cư trú mới. Tuy nhiên, ông nói Bộ Tư pháp có thể ngưng cấp thị thực mới sau khi tham vấn các ban ngành liên quan.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281335/nhat-ban-dat-cuoc-lon-vao-lao-dong-nhap-cu.html