Nhật Bản 'công nhận' 'Ngoại trưởng mới' của Myanmar?

Baoquocte.vn. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 9/3 thông báo nước này đã coi nhà ngoại giao hàng đầu được quân đội chỉ định của Myanmar là 'Ngoại trưởng', bất chấp phản ứng mạnh của truyền thông xã hội về hành động này.

Bộ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ xét tới những mối liên kết của Nhật Bản với chính quyền quân sự của Myanmar. Tuy nhiên, động thái của Tokyo bị hầu hết người dân Myanmar xem là sự ủng hộ chế độ quân sự sau cuộc đảo chính hồi tháng trước.

Biểu tình tại Tokyo, Nhật Bản, chống lại việc bắt giữ bà Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, diễn ra trước Đại học LHQ tại Tokyo ngày 14/2. (Nguồn: Facebook)

Biểu tình tại Tokyo, Nhật Bản, chống lại việc bắt giữ bà Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, diễn ra trước Đại học LHQ tại Tokyo ngày 14/2. (Nguồn: Facebook)

Trong một tuyên bố đăng trên Facebook vào tối 8/3, Đại sứ quán Nhật Bản tại Yangon cho biết tại cuộc họp ở thủ đô Naypyitaw sáng cùng ngày, Đại sứ Ichiro Maruyama đã truyền đạt quan điểm của Nhật Bản về tình hình Myanmar tới "Ngoại trưởng U Wanna Maung Lwin."

Tuyên bố được viết bằng tiếng Myanmar, tiếng Anh và tiếng Nhật, cho biết đặc phái viên kêu gọi ngừng bạo lực đối với dân thường và trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

Tuyên bố đã thu hút hơn 7.000 bình luận trên Facebook. Một người dùng bình luận: "Wunna Maung Lwin không phải là Ngoại trưởng của chúng tôi". Còn một người khác bình luận: "Không ai công nhận ông ấy" là Ngoại trưởng. Những người khác yêu cầu không sử dụng chức vị này để gọi ông Wunna Maung Lwin.

Tại cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 9/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng đã gọi ông Wunna Maung Lwin là "Ngoại trưởng mới của Myanmar" và nói rằng Đại sứ Maruyama trước đó đã sử dụng cụm từ tương tự.

Kể từ khi xảy ra cuộc chính biến tại Myanmar, Nhật Bản vẫn gia tăng áp lực với chính quyền quân sự.

“Đó không phải là vấn đề chúng tôi thừa nhận hay không”, quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật nói về tính hợp pháp của chính quyền quân sự ở Myanmar, và nói thêm rằng nếu Nhật Bản thừa nhận thì đã không “có lời kêu gọi mạnh mẽ” về việc phải thả các nhà lãnh đạo, trong đó có Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Nhật Bản đề cập tới ông Wunna Maung Lwin như là “ngoại trưởng” “để đảm bảo rằng chúng tôi có thể truyền tải thông điệp của chúng tôi (tới chính quyền quân sự) và để các yêu cầu của chúng tôi được thực hiện”, quan chức nói trên giải thích thêm.

(Theo Kyodo, Mainichi)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-cong-nhan-ngoai-truong-moi-cua-myanmar-138822.html