Nhật Bản công bố gói kích thích tài chính mới: Chấn hưng nền kinh tế

Lần đầu tiên kể từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích tài chính mới nhằm giúp xứ sở Mặt trời mọc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Động thái này nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu thụ (tăng từ 8% lên 10% từ tháng 10-2019) cùng những ảnh hưởng đáng kể từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Gói kích thích tài chính mới giúp Nhật Bản có thêm các khoản đầu tư sau Olympic 2020.

Gói kích cầu là một phần trong kế hoạch kích thích kinh tế đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới dưới thời Lệnh Hòa và là một trong những gói chi tiêu mạnh nhất của nước này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, 3 trụ cột của gói kích thích mới, gồm: Hồi phục, tái thiết và an toàn sau thiên tai, hỗ trợ mạnh tay nhằm vượt qua nguy cơ kinh tế giảm tốc và đầu tư cho tương lai sau Olympic Tokyo 2020. Theo truyền thông địa phương, gói kích thích tài chính mới có giá trị khoảng 26.000 tỷ yên (tương đương 239 tỷ USD) nếu tính cả chi tiêu công và chi tiêu của lĩnh vực tư nhân. Số tiền này lớn hơn nhiều so với khoản ngân sách bổ sung 3.000 tỷ yên của năm ngoái.

Cụ thể, gói kích cầu sẽ tập trung vào chi tiêu khoảng 13.200 tỷ yên cho khu vực công, bao gồm các khoản vay lãi suất thấp để củng cố cơ sở hạ tầng sau chuỗi thảm họa gần đây, bao gồm cả những thiệt hại gây ra bởi 2 siêu bão Faxai và Hagibis hồi tháng 9 và 10-2019, đồng thời được thiết kế để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu cho các công trình công cộng sau Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào năm tới.

Chính phủ Nhật Bản cũng dành ngân sách để hỗ trợ tìm việc làm cho những người ở độ tuổi 30-40 đang phải xoay xở kiếm kế sinh nhai do suy thoái kinh tế. Nước này đồng thời có kế hoạch trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ để thúc đẩy dòng vốn, hỗ trợ trang thiết bị cho các trường công, hỗ trợ các công ty phát triển công nghệ mạng 5G và mở rộng xuất khẩu nông nghiệp trong bối cảnh thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực vào năm tới.

Động thái trên của Tokyo phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới khi chọn phương án nới lỏng tài khóa để ứng phó với sự suy giảm nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng được xem như một sự thừa nhận ngầm rằng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang ở trong trạng thái dễ tổn thương cho dù đã tăng trưởng 7 năm liên tiếp dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng S.Abe. Tăng trưởng kinh tế quý III-2019 chỉ đạt 0,2% do xuất khẩu giảm sút vì kinh tế toàn cầu đi xuống. Doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh nhất 4 năm trong tháng 10-2019 do thuế tiêu dùng tăng khiến người dân thắt chặt hầu bao. Vì vậy, kế hoạch này đánh dấu sự trở lại của việc Chính phủ Nhật Bản mạnh tay chi tiêu như trong những ngày đầu của chiến lược chấn hưng tăng trưởng Abenomics.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thúc đẩy tăng trưởng bằng gói kích thích kinh tế là thích hợp trong giai đoạn hiện nay do Nhật Bản không còn nhiều dư địa để thực hiện thay đổi thông qua chính sách tiền tệ. Phản ứng trước động thái này, trên thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,71%, còn chỉ số Topix tăng 0,48% trong ngày 5-12. Tuy nhiên, số tiền ròng thực sự được bơm vào nền kinh tế vẫn chưa được xác định cụ thể bởi thuế tiêu thụ ở Nhật Bản đã tăng và ngân sách thường niên của Chính phủ trong tài khóa tới có thể bị cắt giảm. Dẫu vậy, gói kích thích kinh tế đầu tiên trong 3 năm qua này được kỳ vọng sẽ củng cố những nỗ lực của quốc gia Đông Á nhằm cải thiện “sức khỏe”, chấn hưng nền kinh tế vốn chưa thực sự thoát khỏi trạng thái trì trệ.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/952285/nhat-ban-cong-bo-goi-kich-thich-tai-chinh-moi-chan-hung-nen-kinh-te