Nhật Bản có thể xem xét khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên

Các nhà chức trách Nhật Bản đang tranh luận liệu có nên phát triển một khả năng tấn công phủ đầu có giới hạn và mua tên lửa hành trình trước khi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên xuất hiện.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 4/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

AP đưa tin các nhà chức trách Nhật Bản đang tranh luận liệu có nên phát triển một khả năng tấn công phủ đầu có giới hạn và mua tên lửa hành trình, những ý tưởng được coi là cấm kỵ tại quốc gia yêu chuộng hòa bình này trước khi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên xuất hiện.

Với những sửa đổi trong kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản đang được tiến hành, phe "diều hâu" của đảng cầm quyền đang đẩy nhanh khả năng này, trong khi một số chuyên gia quốc phòng cho rằng Tokyo ít nhất cũng nên đưa ý tưởng ra xem xét.

Sau khi bị chôn vùi trong nhiều thập kỷ, khả năng về cuộc tấn công phủ đầu đã chính thức được ủy ban phòng thủ tên lửa thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đề xuất với Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng Ba, dẫn tới cuộc tranh luận tại Quốc hội.

Tuy nhiên, chủ đề đã có phần lắng dịu khi mà Thủ tướng Abe dường như tránh né vấn đề gây chia rẽ này trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ giành cho chính quyền của ông sụt giảm.

Ngày 29/8, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương, làm dấy lên nỗi lo sợ và châm ngòi trở lại cuộc tranh luận.

Báo Mainichi theo đường lối tự do đặt ra câu hỏi: "Chúng ta nên sở hữu khả năng tấn công phủ đầu?"

Nhật Bản có một hệ thống phòng thủ tên lửa 2 giai đoạn. Đầu tiên, các tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 trên các tàu khu trục Aegis trên Biển Nhật Bản sẽ bắn hạ những vật thể đang bay và nếu thất bại, tên lửa đất đối không PAC-3 sẽ chặn đứng chúng trong phạm vi 20km.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về mặt kỹ thuật, hệ thống 2 tầng này có thể đối phó với việc rơi những mảnh vỡ hoặc tên lửa đang hướng tới Nhật Bản nhưng không đủ khả năng đối phó với những tên lửa có đường bay cao, có nhiều đầu đạn hay các vụ tấn công đồng thời.

Một cuộc tấn công phủ đầu theo định nghĩa của Nhật Bản sẽ là bước đi thực hiện trước 2 bước nói trên.

Các tên lửa hành trình như Tomahawk được bắn từ tàu khu trục Aegis hoặc máy bay tiêm kích sẽ tiêu hủy những tên lửa của kẻ thù đang chuẩn bị được phóng, hoặc ngay sau khi được phóng từ bãi phóng của Triều Tiên trước khi tiếp cận Nhật Bản.

Một số chuyên gia nghi ngờ cách thức hoạt động của hệ thống tấn công phủ đầu.

Theo chuyên gia Ken Jimbo thuộc Đại học Keio, hệ thống phóng bí mật, đa dạng và cơ động của Triều Tiên là rất khó để theo dấu và vô hiệu hóa bằng các vụ tấn công tên lửa hành trình hạn chế của Tokyo.

Năng lực tấn công phủ đầu cũng sẽ đòi hỏi hàng nghìn tỷ USD để thiết lập các vệ tinh, máy bay do thám, tên lửa hành trình cũng như huấn luyện các đơn vị đặc biệt.

Chuyên gia quốc phòng tại Narushige Michishita nhận định: "Triều Tiên đã chứng minh năng lực tấn công bất cứ đâu trên lãnh thổ Nhật Bản. Việc Nhật Bản phát triển năng lực tên lửa và phòng thủ dân sự ngày càng trở nên quan trọng hơn, cũng như việc nghiêm túc suy nghĩ về việc đạt tới khả năng tấn công có giới hạn nhưng hiệu quả."

Tuy nhiên, Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, cho rằng chính phủ vào thời điểm hiện có thể phải ưu tiên nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn.

Kết quả thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Nhật Bản lo sợ mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và ủng hộ nâng cấp năng lực đánh chặn của Nhật Bản, nhưng về vấn đề tấn công phủ đầu, những ý kiến phản đối vẫn lấn át những ý kiến ủng hộ.

Chuyên gia này nêu rõ: "Thủ tướng Shinzo Abe dường như vẫn do dự về việc thảo luận các cuộc tấn công phủ đầu" vì tỷ lệ ủng hộ sụt giảm sẽ khiến ông ngập ngừng khi thúc đẩy vấn đề này. Vì vậy, cuộc thảo luận công khai về tấn công phủ dầu sẽ tiến triển rất chậm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-co-the-xem-xet-kha-nang-tan-cong-phu-dau-trieu-tien/464341.vnp