Nhật Bản có thể làm gì khi tên lửa Triều Tiên bay qua

Aegis BMD là hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất của Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này nhưng giới phân tích hoài nghi tính hiệu quả.

Sáng sớm ngày 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương. Tên lửa bay được quãng đường hơn 2.700 km và đạt độ cao tối đa 550 km.

Theo NHK, Nhật Bản đã không có động thái đánh chặn tên lửa của Triều Tiên. Thủ tướng Shinzo Abe nói với Reuters: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ vững chắc cuộc sống của người dân”.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản. Vụ việc diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía đông nước này.

Đường bay của tên lửa phóng đi hôm nay cho thấy Triều Tiên đang tăng cường các động thái khiêu khích, nhất là khi đầu tháng này nước này đe dọa sẽ bắn một loạt tên lửa nhắm vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tokyo từng tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên đe dọa nước này nhưng họ đã không đánh chặn khi tên lửa bay qua nước này trong thời gian 2 phút. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản, Tokyo có những vũ khí nào có thể đánh chặn?

Nhật Bản đang triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa gồm hệ thống PAC-3 trên đất liền và hệ thống Aegis BMD trên biển.

PAC-3 bất lực

PAC-3 là một phiên bản của hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình trong giai đoạn cuối của chuyến bay.

Hệ thống PAC-3 chỉ có thể "ngước mắt nhìn" tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản. Ảnh: Sputnik.

Tên lửa PAC-3 có tầm bắn tối đa 40 km, tầm cao 20 km. Hệ thống này từng đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud trong thực chiến. Trong tháng 3, tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho biết hệ thống Patriot của quân đội Saudi Arabia đã đánh chặn thành công 3 tên lửa đạn đạo do phiến quân Yemen bắn về thành phố Abha và Khamis Mushayt, Saudi Arabia.

Tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản thường là tên lửa đạn đạo tầm trung, hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa. Những tên lửa này có độ cao quỹ đạo rất lớn, thường cách mặt đất từ vài trăm đến cả nghìn kilomet. Tên lửa bay qua Nhật Bản thường đang ở giai đoạn giữa của hành trình, tương đương với độ cao quỹ đạo lớn nhất ở bên ngoài bầu khí quyển.

Với tầm bắn hạn chế, PAC-3 hoàn toàn "bất lực" nếu tên lửa Triều Tiên chỉ bay qua bầu trời mà không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Ngay cả khi tên lửa gặp sự cố, hoặc cố tình nhắm vào Nhật Bản, không có gì đảm bảo PAC-3 sẽ đánh chặn được 100% tên lửa phóng từ Triều Tiên.

Aegis BMD là lá chắn hiệu quả duy nhất

Hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất của Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua nước này là Aegis BMD. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa lắp trên các chiến hạm có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, hợp tác cùng với Mỹ.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện có 4 tàu khu trục lớp Kongo trang bị hệ thống Aegis BMD. Ngoài ra, 2 tàu khu trục lớp Atago cũng được trang bị hệ thống Aegis nhưng chưa tham gia vào lá chắn Aegis BMD.

Tàu khu trục Aegis JS Chokai, lớp Kongo bắn tên lửa SM-2 trong một cuộc tập trận. Ảnh: JMSDF.

Năng lực đánh chặn của hệ thống Aegis BMD dựa vào tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3, lô I. Phiên bản này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 700 km, tầm cao hơn 500 km. Tính đến năm 2012, Nhật Bản và Mỹ đã chi khoảng 3 tỷ USD để chế tạo tên lửa SM-3, lô IIA, sử dụng đầu đạn đánh chặn mới. Tên lửa lô IIA có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 2.500 km, tầm cao 1.500 km.

Quá trình đánh chặn được thực hiện qua nhiều bước. Đầu tiên, hệ thống radar và vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo sẽ phát hiện việc phóng tên lửa. Sau đó, thông tin mục tiêu sẽ được chuyển cho các tàu chiến Aegis. Radar AN/SPY-1 trên các tàu này sẽ theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa và tính toán giải pháp đánh chặn. Cuối cùng, tên lửa SM-3 sẽ được phóng lên để phá hủy mục tiêu.

Về mặt lý thuyết, hệ thống Aegis BMD của Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua nước này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các tàu Aegis BMD phải có mặt đúng lúc và nằm trên đường bay của tên lửa. Nếu tàu Aegis BMD nằm quá xa so với đường bay của tên lửa thì không thể đánh chặn được.

Minh họa đường bay của tên lửa phóng từ Triều Tiên bay qua Nhật Bản. Đồ họa: Yonhap.

Do đó, việc thu thập thông tin tình báo về hoạt động của tên lửa Triều Tiên, phán đoán đúng vị trí phóng và quỹ đạo bay có ý nghĩa sống còn trong việc đánh chặn thành công tên lửa. Để nâng cao hiệu suất đánh chặn, Nhật Bản phải triển khai thường xuyên các tàu có trang bị Aegis BMD trên vùng biển phía tây nước này.

Mike Elleman, chuyên gia cao cấp về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng quá trình đánh chặn cần được thực hiện ngay trên biển Nhật Bản, trong giai đoạn tên lửa đang lấy độ cao. Nếu đánh chặn khi tên lửa bay qua các đảo chính, mảnh vỡ từ vụ nổ có thể gây hại cho các mục tiêu trên mặt đất.

Nhật Bản và Mỹ đã nhiều lần phối hợp thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng hệ thống Aegis BMD với tỷ lệ thành công khoảng 70-80%. Tuy nhiên, hệ thống này chưa từng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong thực chiến nên các nhà phân tích nghi ngờ tính hiệu quả của hệ thống.

Ngoài ra, lực lượng 4 tàu khu trục có trang bị Aegis BMD là quá mỏng để bảo vệ Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Hải quân Mỹ đang ngưng tác chiến toàn cầu sau vụ va chạm giữa tàu khu trục USS John S. McCain với tàu chở dầu vào ngày 21/8, nên khó có thể hỗ trợ Tokyo trong việc đánh chặn.

Giới phân tích hoài nghi lá chắn tên lửa Aegis BMD có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, cho dù Tokyo đã chi hàng chục tỷ USD cùng với Mỹ để xây dựng hệ thống.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-ban-co-the-lam-gi-khi-ten-lua-trieu-tien-bay-qua-post775470.html