Nhật Bản có câu trả lời cho mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên

Đài NHK nói rằng một trong những giải pháp là Nhật Bản sẽ tăng khả năng tấn công, cho phép họ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại quốc gia dùng tên lửa tấn công Nhật Bản.

Tàu khu trục Haguro của Nhật Bản

Tàu khu trục Haguro của Nhật Bản

Nhật Bản vừa cho xuất xưởng một khu trục hạm hiện đại. Lớp tàu này có tên là Maya và các chuyên gia nói rằng nó có thể là câu trả lời cho các mối đe dọa kép từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Con tàu khu trục cuối cùng trong kế hoạch chế tạo 8 tàu khu trục có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm trên biển trước khi đưa vào biên chế, ngay khi nước này cân nhắc bước đi tiếp theo sau việc đình chỉ kế hoạch đưa vào trang bị các hệ thống trên mặt đất cho vai trò đánh chặn tên lửa đạn đạo, theo Defense News.

Tàu khu trục Haguro đã rời xưởng đóng tàu của tập đoàn Marine United Corporation Nhật Bản, tại Isogo, gần Yokohama, phía nam thủ đô Tokyo của Nhật Bản và trong tuần này sẽ thực hiện các thử nghiệm trên biển đầu tiên. Tàu sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2021, nếu mọi việc suôn sẻ.

Nó dài 170 mét, lượng choán nước 8.200 tấn và được trang bị các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA và SM-6 để tiêu diệt tên lửa đạn đạo. Khả năng phòng không, chống hạm của nó được tăng cường hơn nữa với các loại tên lửa đất đối không RIM-66 SM-2 và tên lửa RIM-162 Evolved Sea Sparrow, Naval Technology đưa tin.

Vũ khí phụ bao gồm pháo 127mm, hai khẩu pháo hiệu suất cao 20 mm và hai ống phóng ngư lôi.

Được trang bị hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến, hệ thống chiến đấu Aegis có thể đồng thời bắt bám các mục tiêu trên không, trên bộ và trên mặt đất.

Theo Naval Technology, tàu khu trục lớp Maya vẫn giữ cấu hình thiết kế cơ sở của lớp Atago, nhưng thân tàu được mở rộng, cho phép tích hợp các hệ thống phòng thủ và súng laser trong tương lai.

Lớp Maya có năng lực tác chiến phối hợp (CEC), cho phép tàu nhận thông tin mục tiêu từ các khí tài quân sự khác nhằm cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa.

Con tàu cũng kết hợp một radar quét mảng điện tử thụ động và một radar doppler xung đa băng tần X Northrop Grumman AN / SPQ-9B để xác định vị trí các vật thể trên mặt biển.

Haguro là tàu thứ hai trong số hai khu trục hạm lớp Maya trang bị cho Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, và nó là tàu khu trục thứ tám của đất nước được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis để phòng thủ tên lửa đạn đạo và máy bay đối phương, Defense News đưa tin.

Mỗi tàu khu trục tên lửa dẫn đường này có chi phí chế tạo khoảng 1,6 tỷ USD. Lớp Maya được đặt theo tên của núi Maya trong dãy núi Rokko ở Kobe, tỉnh Hyogo trên đảo Honshu.

Các thử nghiệm trên biển cho khu trục hạm Haguro diễn ra khi Nhật Bản tìm kiếm giải pháp sau quyết định đình chỉ kế hoạch triển khai Aegis Ashore, hệ thống chiến đấu tương tự như Aegis trang bị cho các tàu chiến Mỹ, Nhật nhưng đặt trên bờ, có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên hoặc Trung Quốc.

Nhật Bản đã lên kế hoạch triển khai hai hệ thống như vậy, với một hệ thống ở phía bắc và phía nam đảo Honshu, để cảnh báo sớm và đánh chặn, bảo vệ đất nước chống lại tên lửa đạn đạo đối phương, Defense News đưa tin.

Việc luôn phải bố trí ba tàu khu trục trên biển mọi lúc để phòng thủ tên lửa đạn đạo cho toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản là không bền vững, là một trong những động lực chính của kế hoạch mua hệ thống Aegis Ashore từ Mỹ.

Tuy nhiên, Đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin rằng Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia trong tuần này để rút lại kế hoạch triển khai Aegis Ashore và đưa ra một hướng đi mới cho chiến lược an ninh quốc gia, tìm kiếm giải pháp thay thế Aegis Ashore.

Đài NHK nói rằng một trong những giải pháp là Nhật Bản sẽ tăng khả năng tấn công, cho phép họ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại quốc gia dùng tên lửa tấn công Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều này có thể phải đối mặt với sự phản đối chính trị gay gắt, kể cả từ nội bộ từ đảng của thủ tướng Abe.

Lý do được đưa ra cho việc đình chỉ trong tuần trước là do các vấn đề chi phí và kỹ thuật liên quan đến tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA.

"Đình chỉ mà không có phương án thay thế", một quan chức chính phủ cao cấp nói với Japan Times, thừa nhận rằng quyết định này đã tạo ra một lỗ hổng phòng không của đất nước.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nhat-ban-co-cau-tra-loi-cho-moi-de-doa-tu-trung-quoc-trieu-tien-1677786.tpo