Nhật Bản chế tạo hàng không mẫu hạm

Nhật Bản chuẩn bị cải biến một tàu chở máy bay trực thăng, gần như vô hại, thành hàng không mẫu hạm đáng gờm.

Trong cuộc họp báo ngày 27/11/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya tuyên bố muốn nâng cấp khu trục hạm hạng Izumo (chở máy bay trực thăng) thành hàng không mẫu hạm để sử dụng trong mọi mục đích và mọi trường hợp khả dĩ. Việc hoán cải này sẽ được ghi vào chương trình quốc phòng của Nhật và sẽ đệ trình quốc hội nước này thông qua vào tháng 12 tới.

Hải quân Nhật Bản

Nếu được thông qua, chương trình này sẽ bắt đầu có hiệu lực đến năm 2024 và sẽ đánh dấu sự rời xa đầu tiên của Tokyo về việc có một đội quân chính thức, được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai.

Nhưng làm cách nào để biến đổi một khu trục hạm chở 14 chiếc trực thăng thành một tàu sân bay có khả năng can thiệp trên Thái Bình Dương? Theo báo Nikkei, Tokyo dự kiến trang bị tổng cộng 142 chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ, loại F-35 và tân trang 100 chiếc F-15. Quyết định mua thêm F-35 sẽ được thông báo chính thức trong vài ngày tới.

Dưới áp lực của Mỹ nhưng cũng vì tình hình căng thẳng trong vùng, chính phủ Nhật Bản không ngừng gia tăng nỗ lực an ninh quốc phòng. Năm 2018, ngân sách quân sự của Nhật lên đến 46 tỉ USD.

Các dữ kiện này cho phép suy đoán Tokyo tăng tốc độ vũ trang. Theo Reuters, dự án nâng cấp khu trục hạm thành hàng không mẫu hạm đã được xác nhận từ tháng 2/2018. Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông và Hoa Đông, Tokyo nhận thấy cần phải có hàng không mẫu hạm nhằm giải quyết tình trạng thiếu căn cứ quân sự trong vùng Thái Bình Dương.

Đảng Tự do Dân chủ thúc giục chính phủ phải trang bị soái hạm đa năng, cho phép “lực lượng phòng vệ” vừa phòng thủ đất nước, vừa có thể tham gia các chiến dịch cứu hộ.

Khu trục hạm lớp Izumo với trọng tải 19.500 tấn, dài 248 m, chở được 14 trực thăng là giải pháp lý tưởng để trang bị chiến đấu cơ F-35 lên thẳng. Nhưng mọi quyết định của Nhật Bản liên quan đến “hàng không mẫu hạm” đều có thể bị xem là dấu hiệu thay đổi chính sách quốc phòng từ “tự vệ thụ động” sang “thế chủ động”. Vấn đề mấu chốt là liệu Quốc hội Nhật Bản vào tháng 12 tới có chấp thuận sự thay đổi này hay không.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhat-ban-che-tao-hang-khong-mau-ham-522849.html