Nhật Bản chật vật 'giải bài toán' thu hút nhân tài

Chính quyền Tokyo đang muốn thu hút người nước ngoài kinh doanh khởi nghiệp ở Nhật Bản, song tiến trình này vẫn đang gặp phải một số trở ngại.

Trường Quốc tế Ấn Độ tại Nhật Bản không đủ năng lực tiếp nhận thêm sinh viên

PopIn, một công ty hoạt động trên nền tảng Internet, vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập tại khu phức hợp thương mại cao cấp Roppongi Hills, ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ông Tao Cheng, người sáng lập và CEO của công ty, muốn nhân dịp này cảm ơn những người đã ủng hộ mình.

Xuất thân từ Trung Quốc, ông Cheng đến Nhật Bản vào năm 2001 để học Thạc sĩ Công nghệ Thông tin tại Đại học Tokyo. Từ khi còn trên ghế nhà trường, Cheng đã tung ra sản phẩm PopIn dựa trên công nghệ do ông tự phát triển. Với sự trợ giúp của PopIn, người đọc có thể chọn các từ trên trang web, rồi tạo kết quả tìm kiếm cho mình mà không cần phải “nhảy” qua lại giữa các trang khác nhau.

Cheng được trao bằng sáng chế công nghệ tại Nhật Bản và đã thành lập doanh nghiệp vào năm 2008 với sự giúp đỡ của Đại học Tokyo. Công ty PopIn hiện tập trung vào lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, hoạt động tại Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang rất mong muốn thu hút các kỹ sư đầy tham vọng như Cheng. Ở Mỹ, 28 trong số 50 công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường, gồm cả nhiều tên tuổi nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, đã được bắt đầu bởi những người nhập cư hoặc con cái của họ, theo Mary Meeker, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng người Mỹ.

Tại Vương quốc Anh, 15% trong tổng số các công ty hoạt động được thành lập bởi công dân nước ngoài. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 40% doanh nghiệp mới ở Đức được thành lập bởi người nước ngoài.

Nhật Bản cũng đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển của các công ty mới, đặc biệt là những “kỳ lân” - công ty khởi nghiệp có giá trị ước tính từ 1 tỉ đô la trở lên. Để làm được điều này, họ cần thu hút tài năng từ nước ngoài, cũng như từ những người Nhật đi du học. Điều đó cũng sẽ giúp các doanh nghiệp của Nhật đa dạng hơn và tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Nhưng tiến trình này đang gặp một số trở ngại. Đầu tiên là yêu cầu về thị thực (visa). Người nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp ở Nhật phải xin visa “quản lý doanh nghiệp”. Để hội đủ điều kiện, họ phải có văn phòng tại Nhật Bản và thuê ít nhất hai nhân viên làm việc toàn thời gian tại thời điểm nộp đơn.

Các đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản ở châu Á đang giảm bớt những yêu cầu về thị thực. Chẳng hạn, Hàn Quốc năm 2013 đã có chính sách tạo thuận lợi để thu hút các doanh nhân công nghệ nước ngoài. Singapore, từ năm 2004 đã cho phép những người muốn kinh doanh nộp đơn xin visa doanh nhân trước khi mở công ty.

Nhật Bản, vào năm 2015 cũng đã có những chính sách tạo thuận lợi về visa nhưng chỉ ở trong một số khu kinh tế đặc biệt. Tính đến mùa xuân năm nay, mới chỉ có 70 doanh nhân nước ngoài được chấp thuận visa này. Bộ Tư pháp Nhật đang xem xét mở rộng chương trình ra khắp toàn quốc, đồng thời cho phép những người sáng lập khởi nghiệp nước ngoài có thời hạn lưu trú lâu hơn.

Tuy nhiên, để thu hút các doanh nhân nước ngoài, chính sách nới lỏng visa là cần thiết nhưng chưa đủ.

“Những gì còn thiếu ở Nhật Bản là tư duy tiếp thị để thu hút tài năng ở nước ngoài”, Yohei Shibasaki, cựu nhân viên của Sony nói. Ông Yohei đã rời Sony để lập công ty tư vấn tuyển dụng Fourth Valley Concierge vào năm 2007. Công ty này chuyên hỗ trợ việc thuê các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) và các công nhân nước ngoài khác cho Nhật Bản. Fourth Valley Concierge có liên hệ với khoảng 700 trường đại học trên khắp thế giới, và giúp các công ty Nhật thuê 500 người nước ngoài mỗi năm.

Ngoài vấn đề về visa, Nhật Bản đang có nhiều vấn đề trở ngại khác. Chẳng hạn, mỗi năm có rất nhiều các chuyên gia CNTT Ấn Độ tới Nhật Bản để làm việc, nhưng các kỹ sư và gia đình họ gặp khó khăn trong việc gửi con cái tới trường.

Nirmal Jain, Chủ tịch của Trường Quốc tế Ấn Độ tại Nhật Bản (IISJ), cho biết gần như ngày nào trường cũng tiếp nhận đơn xin học mới. Nhà trường đang dạy 900 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, chủ yếu đến từ Ấn Độ và không đủ khả năng vật chất để tiếp nhận thêm. “Thiếu trường học quốc tế tại Nhật có thể là một “nút cổ chai” trong thu hút tài năng ở Nhật Bản”, cô Jain nói.

(Theo Nikkei Asian Review)

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276746/nhat-ban-chat-vat-giai-bai-toan-thu-hut-nhan-tai-.html