3 kịch bản có thể xảy ra với Ukraine sau thượng đỉnh trực tuyến Putin-Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ vào hôm qua (7/12), với chương trình nghị sự tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mặc dù mối quan tâm lớn của chính quyền Biden là Trung Quốc, nhưng cuộc gặp này là dấu hiệu cho thấy Nga vẫn chiếm một vị trí nhất định trong đối sách của Mỹ.

 Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN.

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN.

Liệu cuộc gặp trực tuyến này có thúc đẩy sự hiểu biết ngoại giao mới giữa 2 quốc gia hay mối đe dọa quân sự của Nga với Ukraine vẫn còn hiện hữu? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chuyên gia Jonathan Marcus thuộc Viện chiến lược và an ninh thuộc Đại học Exeter đã đưa ra một số nhận định về vấn đề này.

Theo ông Jonathan Marcus, một cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo sẽ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Mọi thứ phụ thuộc vào những gì hai bên rút ra từ cuộc đối thoại, những tín hiệu nhận được và gửi đi trong những tuần tới hay vài ngày tới.

Ông Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga tại tổ chức CNA ở bang Virginia (Mỹ) chỉ ra rằng, quy mô và tính chất của các hoạt động quân sự mà Nga đang tiến hành tại khu vực gần biên giới Ukraine có nhiều bất thường. Trước đó, các nguồn tin tình báo Mỹ cảnh báo Điện Kremlin đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ nhiều phía với sự tham gia của 175.000 binh sỹ, sớm nhất là vào đầu năm 2022.

Vậy cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ được tổ chức một cách nhanh chóng này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trên thực địa? Chuyên gia Jonathan Marcus lưu ý, có 3 kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Nga có thể lùi bước khi đối mặt với mối đe dọa áp đặt trừng phạt kinh tế của phương Tây. Thứ hai, các bên có thể thiết lập một tiến trình ngoại giao mới để ngăn chặn xung đột. Thứ ba, xung đột sẽ diễn ra. Hiện, Nga vẫn đang nắm giữ những lợi thế nhất định trong bối cảnh Tây Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Biden đang sụt giảm.

Nga sớm rút lui

Đây có lẽ là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất. Tổng thống Putin đã triển khai binh sỹ và khí tài tới khu vực biên giới với Ukraine vì thế ông sẽ không thể rút quân nếu không đạt được mục đích nào đó. Trước những thách thức mà Nga đang phải đối mặt, việc tỏ ra yếu thế sẽ khiến vị thế của ông suy giảm.

Ông Putin đang có những lo ngại thực sự, đặc biệt là khả năng Kiev gia nhập NATO và sự hiện diện quân sự của phương Tây ngay sát sườn Nga. Tất nhiên, ông phải cân nhắc về sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với các đồng minh và mối đe dọa trừng phạt kinh tế. Nhưng Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt với nước này trong những năm qua. Hơn nữa, ông Putin có thể tin rằng, sự thống nhất của phương Tây có thể bị thử thách bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trong bối cảnh châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Có hay không một giải pháp ngoại giao?

Tổng thống Biden chắc chắn sẽ không chấp nhận yêu cầu của Nga phản đối quy chế thành viên tiềm năng của Ukraine trong NATO, dù trên thực tế, quá trình xem xét tư cách thành viên phải mất thời gian dài để hoàn tất. Nhưng liệu hai bên có thể nhất trí về một tiến trình ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột?

Chuyên gia Jonathan Marcus cho rằng, Tổng thống Putin đã ghi được “một bàn thắng nhỏ” về mặt ngoại giao khi tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden - điều mà ông tìm kiếm từ lâu. Việc Nga dồn quân ở khu vực biên giới với Ukraine đã khiến ông Biden phải đặt những lo ngại của Moscow vào chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của ông. Đây cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, dù Washington có hướng trọng tâm chiến lược mới vào Trung Quốc thì họ vẫn không thể bỏ qua các cam kết lâu dài với châu Âu. Các động thái của Nga, ít nhất cũng khiến chính quyền Biden phải sắp xếp lại những ưu tiên chiến lược.

Quay trở lại bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Mỹ là một điểm cộng không hề nhỏ với Tổng thống Putin. Nhưng chỉ riêng điều này vẫn chưa đủ. Trước đó, hai bên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Geneva vào tháng 6/2020 và đều bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được dù không có bất cứ thỏa thuận đột phá nào. Tại cuộc gặp lần này, ngoài vấn đề Ukraine, các bên cũng thảo luận một số vấn đề khác như sự ổn định chiến lược Nga-Mỹ, an ninh mạng và chương trình hạt nhân Iran.

Việc những cuộc thảo luận này sẽ tiến xa đến đâu vẫn là điều cần phải xem xét. Nhưng các bên có thể đề xuất một sáng kiến ngoại giao mới hoặc một số sửa đổi đối với thỏa thuận Minsk – được ký kết năm 2015 nhằm mục đích chấm dứt giao tranh ở miền Đông Ukraine. Tuy vậy, ông Michael Kofman tin rằng một giải pháp ngoại giao buộc Ukraine phải nhượng bộ để đổi lấy việc Nga rút quân là điều khó có thể xảy ra.

“Ý định của Nga là buộc Mỹ và Ukraine phải thay đổi chính sách, trước hết là đối với cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, sau đó là tình trạng hợp tác quốc phòng giữa hai nước và tiềm năng mở rộng NATO. Rất khó để tưởng tượng Nga sẽ rút khỏi thực địa mà không đạt được lợi ích gì về mặt chính trị”, ông Michael Kofman nhận định.

Hành động quân sự

Nga có thể đang xem xét một lựa chọn quân sự. Chiến dịch quân sự có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, từ một cuộc tấn công nhỏ đến một cuộc tấn công lớn vào phần phía Đông Ukraine. Mục đích là gây tổn thất cho quân đội Ukraine để buộc chính quyền Tổng thống Zelensky phải suy nghĩ lại về lập trường của mình.

Nhưng hành động này sẽ gây ra rất nhiều rủi ro. Các lực lượng vũ trang Ukraine hiện giờ được trang bị rất tốt và có nhiều kinh nghiệm hơn nhờ việc hỗ trợ đào tạo của phương Tây, vì thế năng lực của họ cải thiện đáng kể so với thời điểm 2015.

Ở phía bên kia, các lực lượng của Nga cũng ngày càng được nâng cao về mặt chiến thuật và chiến lược cùng khả năng chiến đấu. Nga đang ở một vị thế tốt hơn so với năm 2014 về mặt kinh tế, chính trị, quân sự nên nếu giao tranh xảy ra, nước này sẽ có khả năng ứng phó.

Tình hình có thể trở nên phức tạp hơn nếu NATO can dự với danh nghĩa là hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sau tất cả, ông Michael Kofman cho rằng nếu một cuộc xung đột xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Biden-Putin, Mỹ ra tuyên bố nêu rõ, hai nhà lãnh đạo sẽ giao nhiệm vụ cho các phái đoàn của họ tiếp tục "theo dõi tình hình". Điều này cho thấy ở mức độ tối thiểu, các bên vẫn để ngỏ khả năng đối thoại và mở các kênh liên lạc. Hơn nữa về phía Nga, Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định, nước này không muốn khơi mào một cuộc xung đột. Vì thế vẫn có chút lạc quan rằng, các bên có thể tìm kiếm một giải pháp tạm thời nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/3-kich-ban-co-the-xay-ra-voi-ukraine-sau-thuong-dinh-truc-tuyen-putin-biden-910204.vov