Nhật Bản cam kết hỗ trợ Đại học Cần Thơ đạt chuẩn quốc tế vào 2022

Qua hai dự án đã và đang được triển khai, đến năm 2022, Đại học Cần Thơ sẽ đạt chuẩn Đại học quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, số lượng công trình khoa học công bố.

Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, giáo sư Hà Thanh Toàn (phải) tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, giáo sư Hà Thanh Toàn (phải) tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Cần Thơ ngày 11/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane nhắc đến cam kết hỗ trợ phát triển của Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng.

Trong lĩnh vực giáo dục, đối với Đại học Cần Thơ, thông qua hai dự án “Nâng cấp Đại học Cần Thơ” và “Hỗ trợ kỹ thuật” đã và đang được triển khai, đến năm 2022, Đại học Cần Thơ sẽ đạt chuẩn Đại học quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, số lượng công trình khoa học công bố.

Giáo sư Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết hiện nay trường có số lượng sinh viên đông nhất cả nước, với hơn 55.000 sinh viên. Sau 52 năm thành lập, Đại học Cần Thơ đã đào tạo 98 chuyên ngành bậc đại học, 45 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sỹ. Số sinh viên theo học năm nay gần 47.000 người, ngang với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại học Cần Thơ hiện đứng trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam về số lượng công bố quốc tế. Theo xếp hạng Webo, Đại học Cần Thơ xếp thứ ba của Việt Nam, thứ 57 của khu vực Đông Nam Á, thứ 701 của châu Á và thứ 2.704 trong số gần 12.000 trường đại học và học viện đại học trên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng đào tạo và tốc độ phát triển của Đại học Cần Thơ.

Đối với dự án “Nâng cấp Đại học Cần Thơ," nhà trường sẽ được hỗ trợ phát triển ở ba lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; trong ba chuyên ngành là nông nghiệp, thủy sản, môi trường.

Với dự án “Hỗ trợ kỹ thuật," Đại học Cần Thơ sẽ nhận được lợi ích từ ba hợp phần gogofm tăng cường tập huấn nghiên cứu với 19 lớp tập huấn do chuyên gia Nhật Bản đứng lớp; tăng cường năng lực đào tạo trong ba ngành nông nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, quản trị đại học với 18 suất tập huấn về quản trị tại các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA (Đại học Cần Thơ), cho biết Dự án “Nâng cấp Đại học Cần Thơ” gồm bốn hợp phần là phát triển nguồn nhân lực, dự án nghiên cứu, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

Cụ thể, trong phát triển nguồn nhân lực, chín trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản (Hokkaido, Kyushu, Tokyo, Nagasaki, Kagoshima, Osaka, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Đại học Khoa học Hàng hải và Công nghệ Tokyo, Viện Công nghệ Kyoto) sẽ hỗ trợ Đại học Cần Thơ đào tạo 63 tiến sỹ, 9 thạc sỹ, 91 lớp tập huấn ngắn hạn.

Ttrong Dự án nghiên cứu, đến cuối năm 2018, Đại học Cần Thơ sẽ có 36 công trình được công bố; trong Xây dựng cơ sở vật chất, Đại học Cần Thơ sẽ được hỗ trợ xây dựng các công trình khu phức hợp, trại giống thủy sản, thư viện… Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí từ chính phủ Nhật Bản để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy, học./.

Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-cam-ket-ho-tro-dai-hoc-can-tho-dat-chuan-quoc-te-vao-2022/518547.vnp