Nhật Bản bước sang giai đoạn bình thường mới

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 cùng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào ngày 30/9, từng bước đưa đất nước sang giai đoạn bình thường mới.

Hành khách tại nhà ga Shinagawa, Tokyo trong đầu giờ ngày làm việc mới, ngày 2/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Hành khách tại nhà ga Shinagawa, Tokyo trong đầu giờ ngày làm việc mới, ngày 2/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 28/9, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tất cả các khu vực trên cả nước vào ngày mai, đánh dấu lần đầu tiên sau gần sáu tháng toàn bộ các địa phương của Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Thủ tướng Suga cho rằng, điều này có được là nhờ số ca mắc và tử vong mới giảm xuống và áp lực lên hệ thống y tế Nhật Bản cũng đã giảm bớt.

“Nhờ những bước tiến trong tiêm chủng và điều trị Covid-19, chúng ta đang bước vào giai đoạn mà hệ thống y tế có thể hoạt động ổn định ngay cả khi mức độ lây nhiễm cao có thể xảy ra”, ông Suga nói.

Biến thể Delta đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ năm ở Nhật Bản, các ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục vào tháng trước, gây quá tải cho các bệnh viện.

Song các ca nhiễm hằng ngày đã giảm từ mức đỉnh 25 nghìn ca trong tháng 8 xuống còn 1.128 vào thứ hai tuần này.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản cũng đã bắt kịp nhiều nền kinh tế phát triển khác. Hiện gần 60% dân số nước này đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.

Tuy nhiên, việc nới lỏng sẽ diễn ra theo lộ trình với một số hạn chế đối với các nhà hàng và sự kiện tập trung đông người sẽ vẫn được duy trì trong khoảng một tháng.

Chính phủ cũng sẽ ban hành một hệ thống chứng nhận, theo đó chỉ những nhà hàng đã được phê duyệt mới có thể mở cửa đến 9 giờ tối.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh, số ca mắc mới gần như chắc chắn sẽ tăng trở lại sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Điều quan trọng là phải tiếp tục triển khai các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát trở thành làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Australia dự kiến dừng các gói hỗ trợ tài chính Covid-19

Australia dự kiến sẽ cắt giảm các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp nhằm giúp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 tại nước này đang gia tăng.

Chính phủ Australia đã chi hơn 9 tỷ đô la Australia (6,5 tỷ USD) kể từ tháng 6 để hỗ trợ khoảng 2 triệu người. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg ngày 29/9 cho biết, các khoản hỗ trợ này sẽ cắt giảm dần khi tỷ lệ tiêm chủng chạm ngưỡng mục tiêu là 70% - 80% dân số.

Người dân Sydney xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19 tại Công viên Olympic Sydney, ngày 14/7/2021. (Ảnh: Reuters)

Ông Frydenberg thông tin, việc tự động gia hạn các khoản hỗ trợ sẽ kết thúc sau khi các bang đạt tỷ lệ 70% tiêm chủng đầy đủ. Người lao động bị ảnh hưởng phải nộp đơn xác nhận tình trạng mỗi tuần để đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ sẽ ngừng hai tuần sau khi nước này đạt được mục tiêu 80% dân số tiêm chủng đầy đủ.

Australia đã chuyển trọng tâm sang đẩy mạnh tiêm ngừa Covid-19 để hướng tới mục tiêu thích ứng an toàn với virus khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở dân số trưởng thành đạt 80%. Mốc này dự kiến sẽ đạt được vào tháng 11, từ mức 53% như hiện nay.

Costa Rica yêu cầu công chức nhà nước tiêm ngừa Covid-19

Nhà chức trách ở Costa Rica ngày 28/9 yêu cầu tất cả công chức nhà nước sẽ phải tiêm vaccine ngừa Covid-19, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh áp dụng quy định tiêm ngừa Covid-19 bắt buộc.

Bộ Y tế Costa Rica cho biết, các công ty tư nhân trên khắp đất nước cũng sẽ có thể phải tiến hành tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên.

Khoảng 40% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn khoảng cách lớn, vì gần 30% người dân Costa Rica hiện vẫn chưa được tiêm mũi một.

Brazil tiêm mũi tăng cường cho người trên 60 tuổi

Brazil sẽ tiến hành tiêm mũi nhắc lại cho tất cả người dân trên 60 tuổi, Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga ngày 28/9 thông tin.

Ông Queiroga cho biết, quyết định này phù hợp với các bước tiến trong chương trình tiêm chủng của nước này. Ông nói thêm, khoảng 7 triệu người Brazil có thể tiêm tăng cường trong điều kiện hiện nay.

Brazil đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người trên 70 tuổi và nhân viên y tế. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, đến nay đã có khoảng 600 nghìn người được tiêm mũi tăng cường.

Khoảng 52% dân số trưởng thành của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc ít nhất một liều.

Thụy Điển tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi

Ở châu Âu, Thụy Điển cũng sẽ tiến hành tiêm mũi ngừa Covid-19 thứ ba cho người từ 80 tuổi trở lên.

Cho đến nay, mũi tăng cường mới chỉ được tiêm cho một số lượng nhỏ dân số, nhưng Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren cho biết, sẽ sớm mở rộng cho cả những đối tượng ở viện dưỡng lão và trong hệ thống hỗ trợ xã hội.

Thụy Điển dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch còn lại vào cuối tuần này.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 29/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận khoảng 233 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có trên 4,77 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới gần 210 triệu người.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 381.192 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 83.508 ca, tiếp theo là Anh 37.958 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 27.188 ca, Nga 22.236 ca, và Philippines 18.261 ca.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với gần 44 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 709 nghìn ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, với gần 33,7 triệu ca, trong đó có trên 447 nghìn ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 21,3 triệu ca nhiễm và hơn 594 nghìn ca tử vong.

TRUNG HƯNG (Tổng hợp)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/nhat-ban-buoc-sang-giai-doan-binh-thuong-moi-667176/