Nhật Bản: Bình thường và khác thường

(DĐDN) - Ngày 30/6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua nghị quyết về hiểu Hiến pháp theo cách mới để cho phép sử dụng cái gọi là "Quyền phòng vệ tập thể". Về mọi phương diện, quyết định này của chính phủ Nhật Bản là bước ngoặt lịch sử.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Quyền phòng vệ tập thể có nghĩa là một quốc gia có quyền sử dụng quân đội để trợ giúp những đối tác của mình trong trường hợp đối tác đó bị ai đó khác tấn công quân sự hoặc xâm lược.

Quyền này được quy định cụ thể trong Hiến chương LHQ, nhưng lại bị cấm đối với quân đội Nhật Bản trong Điều 9 của Hiến pháp nước này. Bản hiến pháp ấy có hiệu lực từ năm 1947, do Mỹ soạn thảo và áp đặt đối với Nhật Bản. Trong Điều 9 này, Nhật Bản cam kết không bao giờ gây chiến tranh và sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết tranh chấp. Bây giờ, chính phủ Nhật Bản quyết định "hiểu và lý giải" hiến pháp hiện hành là từ nay có thể "hỗ trợ về quân sự những quốc gia có quan hệ gắn bó với Nhật Bản" nếu những nước này bị tấn công quân sự và khi "sự tồn tại của Nhật Bản bị đe dọa" và "tự do và cuộc sống của người Nhật Bản bị nguy hiểm".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập luận cho quyết định này bằng đánh giá cho rằng môi trường an ninh của Nhật Bản đã thay đổi cơ bản và vì thế cần phải chuẩn bị cho quân đội luôn sẵn sàng hành động khi cần thiết. Ông Abe không vạch mặt chỉ tên nơi phát tích những mối đe dọa an ninh đối với Nhật Bản và các đối tác của Nhật Bản. Nhưng thiên hạ ai cũng hiểu rằng ông Abe ngầm ám chỉ Trung Quốc và Triều Tiên . Nhật Bản luôn coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh trực tiếp. Tương tự như thế là việc Trung Quốc tăng cường tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản về một quần đảo trên biển Hoa Đông.

Ông Abe không phải là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên có ý định sửa đổi hoặc hủy bỏ Điều 9 này trong hiến pháp Nhật Bản, nhưng là người đầu tiên đi xa đến mức như hiện tại. Điều đáng chú ý ở đây là cách làm của ông Abe. Để sửa đổi hiến pháp thì ông Abe và phe cánh chưa có đa số đủ mức trong quốc hội. Vì thế, ông Abe "lách hiến pháp" bằng một nghị quyết của chính phủ về hiểu hiến pháp theo cách mới và phe chính phủ có thể dễ dàng thông qua quyết định ấy trong quốc hội.

Mục đích chính của động thái mới này trong thực chất là tham vọng lâu nay của Nhật Bản muốn tự thoát khỏi sự hạn chế pháp lý này để có thể sử dụng quân đội nhiều hơn và chủ động hơn ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ đất nước. Những hoạt động quân sự này đưa lại cho Nhật Bản vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh khu vực và thế giới ngày càng to lớn hơn, đáng kể hơn và đặc biệt là tương xứng hơn với tiềm lực kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ của Nhật Bản. Hơn nữa, Nhật Bản luôn cho rằng phải như vậy thì nước này mới thật sự "hoàn toàn bình thường" như mọi quốc gia khác trên thế giới, không còn bị giam cầm trong bản hiếp pháp do bên ngoài soạn thảo và áp đặt.

Tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ , đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên cũng như gây dựng vai trò chính trị an ninh ở các khu vực khác trên thế giới là những ý đồ được chính phủ Nhật Bản theo đuổi với bước đi mới này. Việc Nhật Bản muốn trở thành "bình thường" lại là chuyện khác thường đối với những nước láng giềng của Nhật Bản khi lo ngại của họ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản càng có thêm cơ sở. Vì thế, việc chính phủ Nhật Bản hiểu và vận dụng hiến pháp hòa bình lâu nay ở nước này theo cách khác sẽ tác động tới quan hệ của Nhật Bản tới tất cả các nước trong khu vực Đông Á, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương quan lực lượng và cục diện quan hệ chính trị an ninh, quân sự, quốc phòng... ở khu vực này và ở cả Thái Bình Dương .

Hoàng Mai

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/quoc-te/nhat-ban-binh-thuong-va-khac-thuong-20140704105420843.htm