Nhật Bản bất lực vì giới trẻ vẫn vui chơi trong dịch

Dù số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh, chính phủ Nhật Bản vẫn khó trong việc thuyết phục người trẻ hạn chế xuống đường, không tụ tập đông đúc.

Từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, giới chức xứ hoa anh đào chỉ yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội, không phong tỏa đất nước nhằm bảo vệ nền kinh tế.

Nhưng sau một thời gian chấp hành, giới trẻ - nhóm đối tượng chiếm 2/3 dân số quốc gia - dần cảm thấy mệt mỏi khi phải ở nhà và bắt đầu xuống đường tụ tập, vui chơi như chưa từng trải qua đại dịch.

 Giới trẻ Nhật Bản không cảm thấy thuyết phục bởi thông điệp phòng chống dịch bệnh của chính phủ. Ảnh: Japan Times.

Giới trẻ Nhật Bản không cảm thấy thuyết phục bởi thông điệp phòng chống dịch bệnh của chính phủ. Ảnh: Japan Times.

Mặc cho nhiều nỗ lực tuyên truyền, chính phủ Nhật Bản vẫn khó lòng tác động được tới thế hệ Millennials. Hầu hết thông điệp phòng chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình… đều không được giới trẻ đón nhận.

“Thanh thiếu niên là một trong những nhân tố tiên quyết để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, rất khó để thay đổi thái độ và nhận thức của nhóm đối tượng này”, Hitoshi Oshitani - Giáo sư Virus học tại ĐH Tohoku - trả lời Japan Times.

Thông điệp ít sức nặng

Tháng 8/2020, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike kết hợp cùng Fuwa - YouTuber nổi tiếng xứ hoa anh đào - để trò chuyện về lối sống mới thời Covid-19. Thế nhưng, video này không đạt được 1 triệu lượt xem như clip hậu trường ghi lại cảnh nữ vlogger vừa trang điểm, vừa chia sẻ trải nghiệm gặp gỡ thống đốc.

Japan Times đưa tin mới đây, Thủ tướng Yoshihide Suga phải tìm kiếm giải pháp sử dụng mạng xã hội nhằm truyền tải thông điệp phòng chống dịch bệnh tới người trẻ Nhật Bản.

Trước đó, nhiều chuyên gia và sinh viên cho biết phương thức truyền thông được giới chức sử dụng “không phù hợp, không hiệu quả”.

Một số người trẻ cho rằng các chính trị gia đang áp đặt, quy trách nhiệm lan truyền Covid-19 lên họ. Ảnh: CGTN.

“Trong các cuộc họp báo, nhiều chính trị gia không cảm thông cho những khó khăn mà giới trẻ đang trải qua. Họ chỉ đổ lỗi lên chúng tôi vì lây truyền virus cho người cao tuổi”, sinh viên Koki Ozora - người điều hành đường dây nóng tư vấn sức khỏe tâm lý cho giới trẻ - nói.

Nam sinh 22 tuổi chỉ trích việc một số chính trị gia vẫn ra ngoài dùng bữa trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản leo thang, đồng thời hy vọng các nhà chức trách thấu hiểu suy nghĩ của người trẻ hơn.

“Chính phủ nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, vẫn sử dụng phương thức truyền thông cũ để truyền tải thông điệp”, Makoto Shimoaraiso - thành viên Văn phòng Chiến lược Covid-19 tại Ban Thư ký Nội các - trả lời.

Người trẻ "không có tiếng nói"

Theo Japan Times, 1/5 trong số 300.000 ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản rơi vào độ tuổi 20, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các nhóm đối tượng. Với đặc điểm ưa di chuyển và thích tụ tập, họ dễ trở thành nguồn bệnh, lây lan virus ra cộng đồng.

Dù quan tâm tới các vấn đề như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới…, thế hệ Millennials xứ hoa anh đào không tin rằng họ có thể tác động tới xã hội thông qua chính trị.

Giáo sư Brossard từ ĐH Wisconsin (Mỹ) cho rằng chính phủ Nhật Bản nên thay đổi phương thức tuyên truyền về ảnh hưởng của đại dịch cho phù hợp hơn với giới trẻ. Ảnh: Japan Today.

“Người trẻ khó có tiếng nói trong các vẫn đề chính trị - xã hội”, Kazuma Ito - nhà sáng lập website PoliPoli - bày tỏ. Nền tảng này được coi là “cầu nối” giữa giới trẻ và các chính trị gia, giúp họ nói lên những nguyện vọng, ý kiến của mình.

Dominique Brossard, Giáo sư Khoa học Truyền thông tại ĐH Wisconsin (Mỹ), nhận định giải pháp giúp chính phủ Nhật Bản tác động tới giới trẻ là đặt lợi ích xã hội lên vai họ.

Bằng cách tập trung vào những lợi ích cộng đồng, ảnh hưởng từ Covid-19 lên người trẻ, họ có thể thay đổi thái độ và chấp hành quy định giãn cách xã hội tích cực hơn.

Trang Minh (Theo Japan Times)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-bat-luc-vi-gioi-tre-van-vui-choi-trong-dich-post1178482.html