Nhật, Anh bắt tay kiềm chế Trung Quốc

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong cuộc họp trực tuyến hôm 3-2 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với những người đồng cấp Anh về Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Anh trong cuộc họp trực tuyến hôm 3-2. Ảnh: AP

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Anh trong cuộc họp trực tuyến hôm 3-2. Ảnh: AP

Phát biểu trong cuộc họp, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Tokyo vẫn đang cảnh giác và rất quan tâm tới ảnh hưởng của luật nói trên đối với vấn đề Biển Đông và Hoa Đông. Theo ông, luật này không nên được sử dụng, bởi nó vi phạm luật pháp quốc tế. “Chúng tôi muốn chia sẻ mối quan ngại sâu sắc với quý vị về luật này” - ông Motegi nói với người đồng cấp Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

Theo Luật Hải cảnh, cảnh sát biển Trung Quốc được phép “thực thi tất cả các biện pháp cần thiết, gồm cả sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”. Đáng lo ngại, luật cũng cho phép hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các cấu trúc công trình của những quốc gia khác xây dựng trên những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, đồng thời được quyền bắt giữ hoặc ra lệnh cho các tàu nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp vùng lãnh hải của Trung Quốc phải rút khỏi.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng 2 nước bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở các vùng biển trong khu vực, kêu gọi tất cả các bên “tự kiềm chế các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa”, kiên quyết phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền. Các bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường quan hệ an ninh giữa 2 nước và thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản hối thúc Mỹ, Úc và Ấn Độ tham gia để chống lại Trung Quốc.

Đặc biệt, Ngoại trưởng Motegi cho biết Tokyo hoan nghênh việc Luân Đôn dự kiến cử nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, tới Tây Thái Bình Dương để tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào cuối năm nay.

Về phần mình, Bộ trưởng Wallace cho rằng việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng Anh - Nhật ngày càng gia tăng.

“Quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh giữa Nhật Bản và Anh sẽ nâng lên tầm cao mới khi nhóm tác chiến tàu sân bay đến thăm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc triển khai Hải quân Hoàng gia Anh thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác với các đối tác trong khu vực để duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, qua đó thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung” - ông Wallace nhấn mạnh.

Theo tờ UPI, các cuộc tập trận chung giữa HMS Queen Elizabeth với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ sẽ diễn ra trong thời gian tàu lưu lại khu vực ngoài khơi quần đảo Nansei, phía Tây Nam Nhật Bản, gần với các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Kế hoạch đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh diễn ra trong bối cảnh Luân Đôn theo đuổi tương lai chiến lược ở châu Á. Theo đó, các nền kinh tế năng động tại khu vực sẽ là trọng tâm trong chiến lược “nước Anh Toàn cầu” thời hậu Brexit trong một môi trường quốc tế ngày càng bất định. Quan trọng hơn hết, việc Anh xoay trục sang châu Á là một phần trong nỗ lực rộng lớn của Mỹ và các đồng minh nhằm chống lại Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhat-anh-bat-tay-kiem-che-trung-quoc-a130110.html