Nhập viện ngày nắng nóng vì những lý do không ngờ đến

Những ngày cao điểm của nắng nóng, rất nhiều bệnh nhân tại Hà Nội phải nhập viện vì những lý do cả khách quan lẫn chủ quan.

Gia tăng các ca đột quỵ vì nắng nóng

Có mặt tại Khoa cấp cứu Nội – Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng xe 115 nối đuôi nhau đưa người bệnh vào cấp cứu. Kíp trực cấp cứu gồm 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng cùng nhiều nhân viên hỗ trợ hầu như làm việc không kịp nói chuyện với nhau.

Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê và nguy kịch, theo người nhà bệnh nhân Hà Thị Thu H (59 tuổi, Trương Định, Hai Bà Trưng) cho biết, bà H có tiền sử huyết áp đã 10 năm. Mấy ngày nắng nóng vừa rồi, bà bị đau đầu những chủ quan nên chỉ uống thuốc như thường ngày. Đến sáng ngày nhập viện, bà vừa bước ra khỏi nhà đi chợ thì bị đột quỵ, ngã tại chỗ.

Một ca bệnh khác cũng nặng tương tự bà H là trường hợp của ông Đào Ngọc S. (Hoàng Hà, Phúc Tân, Hoàn Kiếm). Ông này bị từng bị tai biến cách đây 12 năm, vào viện trong tình trạng cứng hàm, cứng người. Theo vợ bệnh nhân, mấy ngày nắng nóng vừa qua, ông S kêu đau đầu và thường xuyên ở trong nhà. Đến 9 giờ sáng trước hôm đi viện, ông S ra ngoài ăn sáng thì không thể vận động được cơ hàm nữa.

Theo BSCK II Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn, mùa hè và mùa đông là hai mùa bệnh đột quỵ gia tăng. Tuy nhiên, vào thời điểm nắng nóng, bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng bệnh dẫn tới tăng huyết áp. Mấy ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận gần chục ca tai biến mạch máu não mỗi ngày, phần lớn do gia đình phát hiện muộn.”

Bác sĩ này khuyến cáo, để phòng tránh tai biến, đột quỵ vào mùa nắng nóng, người bệnh cần dùng thuốc thốc kiểm soát định kỳ, đúng liệu trình bác sĩ đã kê đơn, kiểm tra huyết áp một ngày hai lần. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc.

Nhập viện vì bỏng cồn

Nhiều gia đình khi đi biển tránh nắng vào dịp Hè thường có thói quen mua mực khô về làm quà. Cùng với đó, mức tiêu thụ bia vào những ngày nắng nóng cũng tăng lên rất nhiều so với ngày thường khiến cho món mực khô đắt hàng hơn. Tuy nhiên, việc chế biến món ăn này cũng gây ra những hậu quả hết sức đáng tiếc.

Mới đây nhất, nam bệnh nhân Lê Quang Vinh (16 tuổi) đã phải nhập viện với diện tích bỏng 15%, bỏng độ 3 do nướng mực. Nằm tại Khoa bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), bệnh nhân này chia sẻ: “Do lúc nướng mực, người bạn tưởng hết cồn nên đổ vào khiến lửa bùng lên, gây bỏng cho tôi.”

Theo Bs Nguyễn Nam Giang – Phó trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định, bỏng cồn rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến chết người. Chỉ một tích tắc sơ ý, nạn nhân có thể phải đánh đổi cả mạng sống của chính mình. Nhẹ hơn thì cũng bị tổn thương các giác quan và tổn thương đường hô hấp, đặc biệt là để lại sẹo co rúm trên da, thời gian để điều trị rất lâu.

Tại khoa bỏng, các bác sĩ khuyến cáo người dân hãy từ bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn. Nếu bị bỏng, những người gần đó cần tìm cách dập lửa bằng nước lã. Đặc biệt là không cố lột bỏ quần áo trên người nạn nhân khi đã bị cháy. Sau khi dập được lửa, phải khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

Thế Công

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/nhap-vien-ngay-nang-nong-vi-nhung-ly-do-khong-ngo-den-348006.html