Nhập siêu hơn 400 triệu USD trong 15 ngày đầu năm 2020

Nửa đầu tháng 1/2020, cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt với con số nhập siêu hơn 400 triệu USD.

Kim ngạch 5 nhóm hàng tỷ USD đầu tiên của năm 2020, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình.

Kim ngạch 5 nhóm hàng tỷ USD đầu tiên của năm 2020, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình.

Không bất thường

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính hết 15/1, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,88 tỷ USD; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 11,288 tỷ USD.

Như vậy, khởi đầu năm mới 2020, nước ta nhập siêu gần 410 triệu USD.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng khá.

Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3% (cùng kỳ đạt 9,2 tỷ USD); nhập khẩu tăng gần 10,7% (cùng kỳ đạt 10,2 tỷ USD).

Dù khởi đầu năm 2020 cán cân thương mại bất ngờ đảo chiều khi đang từ đà xuất siêu lớn hơn 11 tỷ USD của năm 2019 chuyển sang trạng thái nhập siêu, nhưng theo quan sát của phóng viên từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy đây là điều không bất thương.

Bởi, giai đoạn đầu năm, nhất là tháng 1 có Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số quốc gia châu Á, trong đó có đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn, trong khi các doanh nghiệp lại bước vào kỳ nghỉ dài ngày nên hoạt động xuất khẩu có phần trầm lắng.

Đơn cử như 15 ngày đầu tháng 1 năm 2019 vừa qua, Việt Nam cũng nhập siêu gần 1 tỷ USD trong khi kết thúc năm 2018 nước ta xuất siêu 6,8 tỷ USD.

Vì vậy, theo thông lệ hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cán cân thương mại của Việt Nam sẽ trở lại trạng thái xuất siêu.

5 nhóm hàng tỷ USD

Một tháng tin đáng chú ý khác là chỉ trong 15 ngày đầu tháng đã có 5 nhóm hàng xuất nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Ở lĩnh vực xuất khẩu có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 1,543 tỷ USD; dệt may đạt 1,466 tỷ USD; điện thoại và linh kiện với kim ngạch 1,376 tỷ USD.

Đây là dịp hiếm hoi khi mặt hàng điện thoại và linh kiện bị đẩy xuống vị trí thứ 3 về quy mô kim ngạch xuất khẩu, nhưng theo nhận định của chúng tôi điều này không diễn ra lâu khi nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam từ nhiều năm qua lấy lại “phong độ”.

Thực tế, 15 ngày đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng có sự khởi đầu chậm chạp với kim ngạch chỉ gần 1,3 tỷ USD. Nhưng kết thúc năm 2019 nhóm hàng này vẫn duy trì vị thế số một Việt Nam về quy mô kim ngạch với trị giá đạt 51,378 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2018 và chiếm đến gần 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ở lĩnh vực nhập khẩu, 15 ngày đầu tháng 1/2020, cả nước có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,181 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,875 tỷ USD.

Ngoài 5 nhóm hàng chủ lực kể trên, 15 ngày đầu tháng, nước ta còn có nhiều nhóm hàng xuất nhập khẩu có kim ngạch đạt từ 100 triệu USD trở lên.

Năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019, trị giá hàng hóa xuất khẩu là 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu là 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%.

Như vậy, với kết quả này, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2019 của Việt Nam đạt mức tăng khá cao 36,69 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 52,44 tỷ USD của năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa trong năm 2019 thặng dư lên tới 11,12 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 62,9% so với năm trước.

Trong đó, thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt tới 34,56 tỷ USD, tăng 23,5%; khối doanh nghiệp trong nước lại gia tăng thâm hụt thương mại lên 23,44 tỷ USD, tăng 9,6%.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhap-sieu-hon-400-trieu-usd-trong-15-ngay-dau-nam-2020-119126.html