Nhập nhèm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, nguy hại trăm bề

Theo các chuyên gia, quan niệm dùng thuốc đông y 'không bổ âm cũng bổ dương' là sai lầm. Trên thực tế, nếu dùng sai thuốc hoặc thuốc không rõ nguồn gốc, có chứa các hợp chất tân dược thì nguy hiểm còn hơn tây y nhiều lần.

Theo y học cổ truyền, thuốc (dược vật) luôn tồn tại tứ khí (tứ tính) là hàn, lương, ôn, nhiệt để nói lên mức độc nóng (nhiệt) và lạnh (hàn) của chúng. Còn bệnh tật của con người cũng được phân làm bệnh nhiệt hay hàn và cơ địa con người thuộc nhiệt hay hàn. Về nguyên lý chữa bệnh, bệnh hoặc cơ địa nhiệt thì phải dùng thuốc có tính hàn để lặp lại cân bằng âm dương và ngược lại. Nếu dùng sai, dùng nhầm sẽ nguy hiểm cho người bệnh.

Trên thị trường thuốc đông y hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm được thổi phồng công dụng.

Loạn thuốc đông y - nguy hiểm rình rập

Trước hết, dù là thảo dược hay động vật hoặc sa khoáng trong tự nhiên nhưng trong các vị thuốc đều có thể gây độc cho con người khi đưa vào cơ thể. Ngoài ra còn phải kể đến khi phối ngẫu với nhau các vị thuốc nếu đứng một mình thì không độc hại nhưng lại trở thành độc hại do chúng phản nhau.

Do vậy, khi sử dụng thuốc đông y thì điều cấm kỵ là sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần thuốc và quan trọng là không được cấp phép lưu hành. Trong khi đó, sử dụng thuốc đông y “lưu truyền trong dân gian” không được cấp phép lại là thói quen nguy hại của người Việt.

Vừa mới đây Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) ra công văn thông báo về sản phẩm có nhãn ghi là “Viên thuốc màu xám” (thuốc trị bệnh tiểu đường) dương tính với phenformin. Đây là hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả nước ta cấm lưu hành từ nhiều năm qua. Đặc biệt, thuốc “Viên thuốc màu xám” do nhà thuốc YHCT tư nhân Vạn Tế Sanh sản xuất không hề có thông tin về số lô, hạn dùng, số đăng ký.

Chưa hết, Cục Quản ý y dược cổ truyền cũng mới thông báo đến các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thuốc trên cả nước về việc rà soát, ngừng kinh doanh, sử dụng sản phẩm mang tên “Thuốc Thần tiên” nhãn hiệu sư tử lớn và “Thuốc 092414343”. Tương tự như “Viên thuốc màu xám”, hai loại thuốc này đều hàm chứa tân dược gây hại cho người sử dụng. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện “Thuốc thần tiên” nhãn hiệu sư tử lớn và “Thuốc 092414343” đều có chứa các chất paracetamol, dexamethason và berberin. Trong số các chất này thì hoạt chất dexamethason dễ gây ra các tác dụng phụ như: phù, tăng cân, đau dạ dày và nếu dùng lâu dài có thể gây ra các tai biến về xương khớp.

"Thuốc thần tiên" vừa bị cơ quan chức năng thu hồi vì chứa chất cấm.

Theo các bác sỹ, bệnh nhân nên tỉnh táo trước những lời quảng cáo về tác dụng của các loại thuốc đông y mà không qua thăm khám của bác sỹ.

Cần mạnh tay hơn nữa từ cơ quan chức năng

Trên địa bàn cả nước, số lượng cơ sở hay hiệu thuốc đông y không được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động là rất lớn và không dễ kiểm soát. Và dĩ nhiên, sản phẩm thuốc của các cơ sở, hiệu thuốc này không được cấp phép, không có thông tin nơi sản xuất, hạn dùng, thành phần thuốc cũng không rõ ràng.

Trong hoàn cảnh đó, thật khó để một mình Cục Quản ý Y, Dược cổ truyền có thể kiểm soát được tình hình. Do vậy, rất cần sự vào cuộc liên ngành của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, từ cơ sở y tế các tỉnh, huyện, thị xã, thị trấn cùng sự phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)…

Nhưng trước hết chính người tiêu dùng phải tìm cách bảo vệ mình. Cần loại bỏ tư tưởng thuốc đông y “không bổ âm cũng bổ dương”. Tuyệt đối tránh sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký lưu hành theo quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) kể về một trường hợp bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ để điều trị. Hệ quả là bệnh tình chẳng những không thuyên chuyển mà còn biến chứng bất thường. Bệnh nhân sau đó phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, tình hình điều trị cũng vì thế trở nên trầm trọng và khó khăn hơn rất nhiều.

Thảo Quyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhap-nhem-thuoc-dong-y-khong-ro-nguon-goc-nguy-hai-tram-be-d150093.html