Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã: Nhiều nạn nhân bị thú dữ tấn công

Vụ việc nhân viên Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) bị hổ nuôi tấn công không phải hiếm. Đa số những vụ hổ tấn công người chăm nuôi đều để lại những hậu quả thương tích nặng nề, thậm chí có trường hợp thiệt mạng.

Ông Nguyễn Văn Tư (anh rể ông Chiến) cho hổ ăn hằng ngày - Ảnh: Ngọc Minh

Những cái chết bất ngờ

[VIDEO] Cận cảnh nơi nuôi con hổ vồ nát 2 tay người đàn ông ở Bình Dương

Ông Lê Đại Thắng, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An), cho biết gấu nuôi tại gia đình và KDL, qua kiểm tra đều thấy được nuôi nhốt trong các lồng sắt đúng quy chuẩn an toàn. Trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng cũng thường xuyên nhắc nhở các gia đình và chủ trang trại phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vì đây là loài thú hung dữ, dễ gây nguy hiểm cho người. Ngoài ra, việc quản lý gấu nuôi dù đã được gắn chíp, nhưng theo ông Thắng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 30.5, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) phối hợp lực lượng chức năng Nghệ An giải cứu 3 con gấu bị nuôi nhốt trái phép tại một hộ dân ở H.Quỳnh Lưu. Ba con gấu này không được gắn chíp. Do hộ dân này không hợp tác nên phải sau hơn 2 tháng, cơ quan chức năng mới tịch thu được 3 con gấu để chuyển đến cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình. (K.H)

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tính đến nay cả 3 cơ sở nuôi nhốt thú hoang dã ở Bình Dương là: Khu du lịch (KDL) Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương (TX.Dĩ An) và DNTN Thanh Cảnh (TX.Thuận An) đều đã xảy ra tình trạng hổ vồ nhân viên. Trong đó ở KDL Đại Nam và Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương có việc nhân viên bị hổ vồ chết tại chỗ.

Cụ thể, ngày 10.9.2009, 3 nhân viên trồng cây xanh của KDL Đại Nam cẩu cây xanh vào để trồng ở khu vực nuôi thú hoang dã thì bất ngờ bị con hổ ở chuồng sát bên leo qua hàng rào tấn công. Trong lúc bị hổ tấn công, 1 người nhanh trí nhảy xuống hồ nước thoát nạn, còn 2 người khác bị hổ tấn công làm 1 người bị thương nặng và 1 người chết tại chỗ.

Sau khi sự việc xảy ra, KDL Đại Nam đã gia cố chuồng trại, lắp đặt thêm nhiều lớp hàng rào sắt và kính cường lực để bảo vệ. Tuy nhiên, cũng tại KDL Đại Nam, chiều 23.12.2013, lại xảy ra vụ con voi có tên là Ca quật chết 1 nhân viên. Thời điểm xảy ra vụ việc, con voi đang chuẩn bị được đưa vào chuồng thì một nhân viên của KDL Đại Nam xách thùng sơn cửa sắt đi ngang qua. Bất ngờ con voi nổi giận dùng vòi quấn lấy người xách thùng sơn hất tung lên rồi vật mạnh vào cột bê tông khiến người này tử vong tại chỗ.

Chiều tối 23.9.2016, ông Lương Văn Hải (ngụ Thái Bình, đã chết) là nhân viên chăm sóc động vật hoang dã của Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương (P.Bình An, TX.Dĩ An) vào chuồng để chăm sóc con hổ tên Ami bị bệnh. Trong lúc đang chăm sóc cho hổ, bất ngờ con hổ chồm dậy tát và cắn nhiều nhát vào người ông Hải khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Tại KDL Trại Bò (H.Diễn Châu, Nghệ An), năm 2015 cũng đã xảy ra vụ hổ nuôi tấn công người. Nạn nhân là chị Trần Thị Yến (20 tuổi, ngụ H.Tân Kỳ) cùng chồng và nhóm bạn đến tham quan tại KDL sinh thái này. Trong khi chị Yến đang đứng cạnh hàng rào sắt, quay lưng vào phía chuồng hổ thì bất ngờ một con hổ trắng với chân qua hàng rào sắt kéo tay chị Yến vào phía trong. Phát hiện sự việc, những người xung quanh đã dùng gậy xua hổ, tuy nhiên chị Yến bị hổ vồ nát cánh tay trái và phải cắt bỏ. Trước đó, một con gấu nuôi của một hộ dân ở H.Nghi Lộc cũng tấn công một phụ nữ giúp việc cho gia đình khi người này cho gấu ăn và phải cắt bỏ một bàn tay.

Không đơn vị nào chịu tiếp nhận hổ nuôi

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp oái oăm, khi thú dữ được trao lại cho cơ quan chức năng, nhưng không đơn vị nào chịu tiếp nhận. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa có gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (ngụ xã Xuân Tín, H.Thọ Xuân) nuôi 11 cá thể hổ (4 con đực, 7 con cái) có tuổi đời 12 năm. Trong quá trình nuôi, đã từng xảy ra vụ cháu bé trai 13 tuổi bị hổ vồ làm bị thương.

Vào năm 2007, ông Chiến đưa về khuôn viên gia đình nhiều hổ con có trọng lượng từ 5 - 7 kg/con để nuôi. Sau đó, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa phát hiện, lập biên bản và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Chiến, vì nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Sau khi xử phạt, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao cho gia đình tổ chức nuôi nhốt hổ. Tiếp đó, tháng 5.2012, ông Chiến được cấp giấy phép nuôi nhốt hổ sau khi xây dựng khuôn viên nuôi ở giữa cánh đồng Tàu Voi, xã Xuân Tín, cách khu dân cư nơi gần nhất khoảng 300 m. Trưa 28.5.2017, cháu Mai Văn Chiến (lúc đó 13 tuổi) và cháu Phạm Văn Trung (cùng ngụ xã Quảng Phú, H.Thọ Xuân) đã trèo lên tường rào để xem hổ. Bất ngờ, một con hổ lao tới và nhảy lên dùng chân vồ trúng phần bắp chân phải của Chiến, khiến phần thịt ở bắp đùi bị hổ vồ mất. Cháu Chiến sau đó phải nhập viện cấp cứu và điều trị ở Hà Nội.

Cũng trong tháng 5.2017, giấy phép nuôi nhốt hổ của gia đình ông Chiến hết hạn. Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn để giải quyết vấn đề nuôi nhốt hổ của gia đình ông này. Thậm chí, gửi văn bản xin ý kiến hướng dẫn, giải quyết của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, nhưng vẫn không tìm ra hướng xử lý.

Đến tháng 9.2017, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa có văn bản đề nghị 4 trung tâm đủ điều kiện nuôi nhốt hổ trên cả nước tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 11 con hổ, nhưng không đơn vị nào tiếp nhận. Sau đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa kết luận không tịch thu các cá thể hổ do không đủ căn cứ pháp lý; không thực hiện được công tác chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ do các đơn vị không tiếp nhận. Đến nay, 11 con hổ vẫn đang được gia đình ông Chiến nuôi nhốt.

Ông Trịnh Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Tín (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), cho biết để đảm bảo chuồng trại vững chắc và đề phòng trường hợp xấu xảy ra, tháng nào UBND xã Xuân Tín cũng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra, nhắc nhở gia đình ông Chiến.

“Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo bà con không được lại gần, hoặc leo trèo lên cây gần khu vực tường rào để xem hổ. Bình thường thì không sao, nhưng nhỡ bão gió, mưa lớn làm sập tường rào, hoặc cây đổ gãy vắt qua tường rào làm đường cho hổ thoát ra ngoài thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Đức nói.

Ông Thiều Văn Lực, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cho biết từ khi giấy phép nuôi nhốt hổ của gia đình ông Chiến hết thời hạn (tháng 5.2017 - PV) thì ông này không được cấp mới. Sau đó, các đơn vị chức năng bàn tính cách giải quyết để bàn giao hổ cho các trung tâm đủ điều kiện, nhưng không đơn vị nào tiếp nhận.

“Vừa rồi, chúng tôi cũng đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ, họ cũng vừa hoàn tất hồ sơ gửi Cơ quan quản lý CITES VN để được cấp mã số theo quy định của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, ông Lực nói.

Đồng Nai có 23 điểm nuôi nhốt động vật hoang dã

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trong số các động vật hoang dã quý hiếm, nuôi nhốt thì trên địa bàn chỉ có gấu là nuôi đại trà. Hiện tại có 23 địa điểm nuôi nhốt gần 100 con. Tập trung nhiều nhất ở TP.Biên Hòa, trong đó riêng KDL Vườn Xoài (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) có đến 40 cá thể. Tại đây cũng đang nuôi nhốt một số loài động vật hoang dã quý hiếm khác nhằm phục vụ mục đích du lịch, như: sư tử (5 cá thể), hổ (13 cá thể), linh cẩu (7 cá thể), báo châu Phi (3 cá thể), báo hoa mai (2 cá thể). Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai), cho biết đối với các loài động vật hoang dã đang được nuôi nhốt tại KDL Vườn Xoài như hổ, sử tử, báo… việc thẩm định yêu cầu chuồng trại, nơi sinh sống, nhân viên chăm sóc… đều do Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thẩm định cấp phép; Kiểm lâm Đồng Nai chỉ thực hiện việc theo dõi, quản lý số lượng.

Lê Lâm

Đỗ Trường - Minh Hải - Khánh Hoan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/nhap-nhem-muc-dich-nuoi-thu-hoang-da-nhieu-nan-nhan-bi-thu-du-tan-cong-1091402.html