Nhập nhằng nhiều khoản thu đầu năm học

Sự nhập nhằng trong các quy định về thu chi khiến nhiều phụ huynh phải cắn răng chấp nhận nhiều khoản tiền trên danh nghĩa gọi là 'tự nguyện'.

Đó là thực tế được thể hiện rõ tại nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM khi đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đi khảo sát và kiểm tra việc thực hiện các khoản thu chi ở nhà trường trong gần hai tuần qua.

Thu cao, chi khủng cho lớp “con nhà giàu”

Mặc dù ở huyện nghèo ngoại thành nhưng phụ huynh tại Trường Mầm non Họa Mi (Nhà Bè) phải đóng nhiều khoản tiền khá cao để con theo học mô hình trường tiên tiến. Cụ thể, các bé ở lớp mầm và chồi mỗi tháng phải đóng gần 3 triệu đồng tiền học. Trong đó, ngoài các khoản thu theo quy định khoảng 1,4 triệu đồng, mỗi em phải đóng thêm 1.496.000 đồng/tháng cho lớp tiên tiến. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Loan lý giải những lớp này chỉ từ 20 đến 22 trẻ/lớp, chương trình học nhiều hơn nên mức thu cao hơn.

Ngoài ra, ông Lục Thanh Bình, phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của trường, cho biết ban không có chủ trương thu quỹ nhưng việc đóng góp chủ yếu do phụ huynh các lớp tự tính toán trên tinh thần tự nguyện, theo nhu cầu, như làm rèm cửa, mua đồ chơi, lắp máy móc, sửa sân chơi... để phục vụ cho trẻ.

Tuy nhiên, một số thành viên trong đoàn giám sát cho rằng mức thu này đã ở ngưỡng tối đa theo quy định của TP. Chưa kể với mầm non, các bé đến trường đương nhiên phải được trang bị cơ sở vật chất, học thể thao, hoạt động,... nhưng phải đóng thêm nhiều khoản nữa là chưa khả thi. Đã vậy, phụ huynh còn phải đóng tiền “hỗ trợ” để sửa sang, mua sắm thêm quá nhiều.

Đến Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), nhiều người sẽ không khỏi “choáng” khi hầu hết các lớp đều được trang bị rất hiện đại. Theo bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng, các lớp này đều trang bị bảng cường lực, lót sàn gỗ, lắp tủ cá nhân và tủ đựng mũ bảo hiểm, kệ truyện mini, trang trí lớp... từ tiền cơ sở vật chất dành cho loại hình tiên tiến. “Ngoài ra, các phụ huynh là mạnh thường quân còn đóng góp riêng để lắp bảng thông minh đa điểm chạm với mức giá khoảng 90 triệu đồng/bảng/lớp. Nhiều lớp thường cũng được trang bị tương tự nếu có nguồn hỗ trợ từ phụ huynh” - bà Chi nói.

Không những thế, do trường có nhiều trang thiết bị, sử dụng nguồn điện lớn nên ban đại diện CMHS đã đề xuất lắp một trạm điện riêng cho trường, hiện ban đang huy động tiền phụ huynh để thay toàn bộ dây điện trong trường cho an toàn. Ngoài ra, mặc dù trường đã có sẵn camera ở các hành lang lớp học nhưng ban đại diện còn đề xuất lắp camera khắp toàn trường với kinh phí 80 triệu đồng...

Một giờ học nhạc của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1. Ảnh: PHẠM ANH

Một giờ học nhạc của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1. Ảnh: PHẠM ANH

Nhập nhằng quy định thu chi

Khi lý giải, trường nào cũng cho rằng đã thực hiện đúng theo Thông tư 55 quy định về điều lệ hoạt động của ban đại diện CMHS và Thông tư 29 về tài trợ giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2012. Các thành viên ban đại diện cũng cho rằng các khoản thu quỹ phụ huynh hay để đầu tư cơ sở vật chất cho trường đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng hay ép buộc.

Tuy nhiên, khi đoàn chất vấn và kiểm tra sổ sách việc thu chi ở các trường lại hoàn toàn khác.

Như tại Trường THPT Thủ Thiêm, ngoài hàng loạt khoản thu theo quy định về học phí, học buổi hai, bán trú, thể dục thể thao... mỗi phụ huynh còn bị ấn định đóng 300.000 đồng/năm cho quỹ phụ huynh của trường.

Dù nhà trường lý giải tiền này không bắt buộc, ai đóng bao nhiêu cũng được nhưng đoàn giám sát không đồng ý và đề nghị chấn chỉnh vì cách làm này sai, không khác nào “bổ đầu” để ai cũng phải đóng.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cũng tương tự, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, thẳng thắn: “Trong kế hoạch, ban đại diện đưa ra mức thu bình quân 250.000 đồng/HS cho quỹ của ban đại diện thì sao gọi là tự nguyện?”. Một thành viên khác trong đoàn giám sát cũng cho rằng: “Ban nói thu tiền quỹ chỉ để chăm lo cho HS nhưng sổ sách lại có nhiều mục chi cho tiền đám tang, tiền âm thanh sân khấu, hỗ trợ cơ sở vật chất, chăm lo vệ sinh môi trường, hỗ trợ giáo dục tư tưởng... là không hợp lý vì Thông tư 55 quy định chi 100% cho HS. Hơn nữa, ban còn huy động phụ huynh đóng góp để thay dây điện, lắp camera... là không được. Các khoản này chỉ có thể đưa vào kế hoạch để sử dụng từ nguồn tài trợ do các mạnh thường quân tự nguyện đóng góp”.

Nhập nhằng các quy định về hoạt động của ban đại diện

Kết quả giám sát tại các trường cho thấy hoạt động của ban đại diện CMHS nhiệt tình, trách nhiệm và hỗ trợ rất lớn cho nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế chung là cả nhà trường lẫn ban đại diện chưa nắm rõ hoặc hiểu sai dẫn đến nhập nhằng các quy định về hoạt động của ban đại diện CMHS và tài trợ trong giáo dục. Điều này dẫn đến nhiều khoản thu vô tình gây áp lực và bức xúc cho phụ huynh, nhất là những người còn khó khăn. Họ không bức xúc vì đóng bao nhiêu tiền mà vì cách thu chi tiền chưa đúng, chưa tạo được sự tin tưởng, đồng thuận thực sự.

Do đó, đoàn cũng đã đề nghị các trường phải điều chỉnh lại, phải hiểu và phân định rạch ròi tiền quỹ hoạt động của ban đại diện và tài trợ giáo dục. Quỹ của ban chỉ để phục vụ trực tiếp 100% cho HS, còn nếu muốn hỗ trợ về cơ sở vật chất hay hoạt động cho trường phải tuân thủ Thông tư 29 về tài trợ giáo dục. Tức trường phải đưa ra kế hoạch những gì cần làm, dự trù kinh phí và lập ban tiếp nhận riêng để phụ huynh nào có điều kiện thì đóng góp, bằng tiền hoặc hiện vật. Rồi công khai thu chi rõ ràng.

Đoàn cũng sẽ kiến nghị lên các cấp liên quan để có sự điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể về việc giữ và chi tiền phụ huynh khi đóng góp cho trường. Vì hiện nay hầu hết các trường đều lúng túng và thực hiện chưa đúng, gây nhập nhằng trong quản lý thu chi.

TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó Chủ tịch Ủy ban
MTTQ Việt Nam TP.HCM

PHẠM ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nhap-nhang-nhieu-khoan-thu-dau-nam-hoc-736345.html