Nhập nhằng hợp đồng hình ảnh cầu thủ ở Hà Nội FC: Tầm quan trọng của người đại diện cầu thủ, HLV?

Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đạt được những thành tựu lớn trong khu vực cũng như châu lục. Đây chính là bước đệm để các CLB, HLV và cầu thủ gây dựng hình ảnh của mình trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc chuyên môn thì các cầu thủ, HLV đã đến lúc cần trang bị cho mình những đồng hành mang tên 'người đại diện'.

Hà Nội FC thu phí quảng cáo cầu thủ trên mạng xã hội

Mới đây, Hà Nội FC đưa ra quy định mới liên quan việc sở hữu, quản lý và khai thác bản quyền hình ảnh các cầu thủ gợi ra nhiều câu hỏi. Đáng chú ý, trong bản hợp đồng giữa Hà Nội FC và cầu thủ có nhiều điều khoản khiến nhiều người phải bận tâm.

Đặc biệt, một điều khoản trong quy định cho phép Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội - T&T là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý, sử dụng thương hiệu, hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, HLV theo hợp đồng đã ký kết hoặc thỏa thuận.

Bên cạnh đó, trong bản hợp đồng cho phép Hà Nội FC ký phụ lục hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng đã ký với cầu thủ trước khi quyết định có hiệu lực nếu hợp đồng cũ có các quy định không phù hợp hoặc không có quy định cụ thể phù hợp với quyết định mới ban hành.

Quang Hải đang thi đấu trong màu áo của Hà Nội FC. Ảnh: Ngọc Tú

Quang Hải đang thi đấu trong màu áo của Hà Nội FC. Ảnh: Ngọc Tú

Như vậy có thể thấy, việc Hà Nội FC ký phụ lục hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng đã ký kết trước đó là theo đúng thỏa thuận hay áp đặt với cầu thủ? Khi những điều này là sự áp đặt đối với cầu thủ, HLV liệu rằng có đúng theo pháp luật, bởi việc đánh đồng sẽ không thể phù hợp cho một tập thể, đặc biệt là đội bóng khi có cầu thủ đá chính và dự bị.

Cũng theo như bản hợp đồng, Hà Nội FC được quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại cũng gây hoài nghi. Phải khẳng định rằng, hình ảnh cầu thủ, HLV là của cá nhân cầu thủ, HLV. Vì thế họ có quyền sử dụng và cho phép với phạm cho phép.

Ở đây phải nói rằng, theo như quy định cũng như thỏa thuận Hà Nội FC chỉ có quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ trong vai trò là hình ảnh của đội bóng và Hà Nội FC có quyền yêu cầu các cầu thủ, HLV nhưng cũng không vượt quá số lần so với số cầu thủ, HLV khác của đội.

Tuy nhiên, theo như bản hợp đồng thì Hà Nội đang vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào hình ảnh cá nhân của cầu thủ (Hà Nội được quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại cũng gây hoài nghi).

Xét về mặt khách quan, nếu như Hà Nội đòi hỏi quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào khác từ cá nhân thì bản thân cầu thủ, HLV cũng có quyền đòi hỏi lại từ phía CLB. Như vậy, mọi việc sẽ cần phải ngồi lại trên bàn đàm phán giữa 2 bên.

Đã đến lúc cầu thủ cần người đại diện?

Bóng đá Việt Nam đã đi lên chuyên nghiệp trong khoảng 20 năm, nhưng thực tế cho thấy mọi thứ vẫn còn ở nghiệp dư từ CLB cho đến cá nhân các cầu thủ. Tuy nhiên, kể từ hiệu ứng U23 Thường Châu 2018, bóng đá Việt Nam đã lôi kéo được người hâm mộ tới sân. Cũng phải khẳng định rằng, kể từ đây các CLB đã dần chú trọng đến việc xây dựng đội chuyên nghiệp, các cầu thủ đã có thể phát triển hình ảnh của mình qua đó "kiếm thêm" từ việc quảng cáo, hình ảnh.

Tuy nhiên, từ khóa "người đại diện" vẫn còn quá xa lại đối với các cầu thủ, thử hỏi các cầu thủ, HLV đang thi đấu và chỉ đạo tại V-League có bao nhiêu cầu thủ, HLV có người đại diện? Chắc chắn rằng, số người có chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Người đại diện của cầu thủ, HLV sẽ làm công việc gì? Tại các nước châu Âu hay các nền bóng đá phát triển, người đại diện cầu thủ, HLV là một nghề, được thừa nhận với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể.

Ngoài ra, họ chính là người mang đến những hướng đi hay bản hợp đồng chuyển nhượng, quảng cáo cho các cầu thủ, HLV và các chỉ điểm cho các cầu thủ, HLV nên làm gì và không nên làm gì.

Bên cạnh đó, gười đại diện cầu thủ hưởng trung bình 4-10% giá trị hợp đồng thương thảo thành công của cầu thủ. Những ràng buộc tiếp theo dựa vào thỏa thuận đôi bên. Nhưng tại Việt Nam, người đại diện vẫn còn rất xa lạ và cách làm cũng tự do, không kiểm soát.

Trong bản quyết định sử dụng hình ảnh của cầu thủ, HLV của Hà Nội FC có điều khoản Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội-T&T sẽ cử một người đại diện có thẩm quyền đại diện cho cầu thủ, HLV trong các giao dịch, nội dung giao dịch liên quan đến việc sử dụng thương hiệu, hình ảnh và các dấu hiệu liên quan tới cầu thủ, HLV. Đây có thể nói là bước đi đúng đắn của Hà Nội FC trong việc chuyên nghiệp đội bóng.

Ngoài việc phát triển về chuyên môn, đã đến lúc các cầu thủ, HLV tại Việt Nam cũng cần phải có người đại diện (người có am hiểu về luật, có những tư duy cho các cầu thủ) để có những thỏa thuận trước khi đặt bút ký vào bất cứ hợp đồng nào, bởi bóng đá đã là một nghề.

Vĩnh Quang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhap-nhang-hop-dong-hinh-anh-cau-thu-o-ha-noi-fc-tam-quan-trong-cua-nguoi-dai-dien-cau-thu-hlv-384143.html