Nhập lúa mì nhiễm cỏ kế đồng: Bài học 'con ốc bươu vàng' chưa đủ sợ hay sao?

Trước việc hàng loạt lô hàng nhập khẩu lúa mì về Việt Nam có cỏ kế đồng (Cirsium Arvense), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNN) đang xem xét tạm ngừng nhập khẩu lúa mì để bảo vệ sản xuất trong nước.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập hơn 1 triệu tấn lúa mì có nhiễm có kế đồng

Cỏ kế đồng nguy hại ra sao?

Theo tìm hiểu, cỏ kế đồng (tên tiếng Anh là Cirsium Arvense), đây là đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I, nhóm sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật và sản phẩm thực vật. Cỏ kế đồng là loài cỏ dại, cạnh tranh dinh dưỡng với một số cây trồng khác, có chiều cao 30-100 cm, hiện chưa có trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNN), từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện 1,2 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ Nga, Mỹ và Canada nhiễm cỏ kế đồng, chiếm khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu lúa mì.

Trước tình trạng số lô hàng có cỏ kế đồng tăng cao, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi cảnh báo đến các nước xuất khẩu và thông báo đến các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam để khắc phục. Tuy nhiên, theo Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật), việc các lô hàng vẫn có cỏ kế đồng cho thấy tình hình không được cải thiện.

Chính từ lý do này, Cục Bảo vệ thực vật đang báo cáo đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu lúa mì từ các nước có nhiễm cỏ kế đồng để bảo vệ sản xuất trong nước. Khi phát hiện lô hàng vi phạm từ Việt Nam, các nước cũng áp dụng biện pháp tương tự để bảo vệ sản xuất trong nước.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 3,98 triệu tấn lúa mì, trị giá 952 triệu USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 52,9%, 25,3% và 8,5%.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, trước đây, thị trường chính nhập khẩu lúa mì về Việt Nam là Úc, tuy nhiên, do thiên tai, mất mùa nên thị trường này không đáp ứng được nhu cầu do sản lượng bị giảm 50%. Chính vì lý do này, các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì đã quay sang các thị trường khác, vừa có nguồn cung, vừa có lợi thế về giá cả và thuế.

Từ một số ít ban đầu, ốc bươu vàng đã sinh sôi một cách "chóng mặt" rồi tấn công, phá hoại đồng ruộng

“Bài học” nhãn tiền từ con ốc bươu vàng

Tại diễn đàn trao đổi về các khó khăn trong việc nhập khẩu lúa mì về Việt Nam mới đây tại TP.HCM, ông Trần Vũ Khánh - Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro cho biết, tại thị trường Nga năm nay sản lượng lúa mì tăng cao, Việt Nam lại được hưởng thuế 0% nên doanh nghiệp chuyển đổi thị trường.

Tuy nhiên, tập quán của nhiều nước xuất khẩu lúa mì là thu hoạch bằng máy, chuyển vào kho, ra cảng mà không qua công đoạn vào nhà máy để sàng lọc như đối với lúa gạo Việt Nam nên còn lẫn cỏ. Chính vì thay đổi nguồn nhập, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì từ Mỹ, Canada đã có lẫn cỏ kế đồng.

Nhiều doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu đều thống nhất ý kiến cho rằng, Việt Nam trồng được lúa mì nhưng rất ít, phần lớn lúa mì trên thị trường là từ nhập khẩu. Khoảng 75% lúa mì nhập khẩu được xay làm bột mì để chế biến các loại thực phẩm quen thuộc như: mì ăn liền, bột các loại, bánh mì, bánh ngọt,… để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, lúa mì còn được dùng làm thức ăn chăn nuôi để thay thế bắp, khoai mì.

Vì thế, một số doanh nghiệp sau khi biết quan điểm của Bộ NN&PTNT đối với sản phẩm lúa mì có lẫn cỏ kế đồng, đã bày tỏ quan ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành chứ không riêng doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nông sản.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, Bộ NN&PTNT với vai trò là người “gác cổng” về lĩnh vực không thể im lặng và không đưa ra giải pháp nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trong nước. Bởi chúng ta từng có "bài học" nhãn tiền về sự phá hoại mùa màng của ốc bươu vàng - khiến đồng ruộng và bà con nông dân nhiều năm điêu đứng. Vì thế, việc thận trọng và đưa ra những khuyến cáo kịp thời liên quan đến việc nhập khẩu mặt hàng này từ phía cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết.

Minh Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong/nhap-lua-mi-nhiem-co-ke-dong-bai-hoc-con-oc-buou-vang-chua-du-so-hay-sao-417361.html