Nhập lậu động vật qua biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp

Nhận định này được đưa ra tại hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia cầm qua biên giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay, 26-10. Tham dự hội nghị có lãnh đạo ngành nông nghiệp, Chi cục Thú y các địa phương phía Bắc, đại diện lực lượng Hải Quan, Kiểm dịch động vật, Bộ đội Biên phòng…

Hội nghị dành nhiều thời gian bàn về các giải pháp phòng chống gia cầm nhập lậu

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật (ĐV, SPĐV) qua biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng nhất là ở Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, vào thời kỳ cao điểm, nhập lậu từ Trung Quốc vào Quảng Ninh có thể lên đến 100-200 tấn/ngày, qua Lạng Sơn có thể đến 100 tấn/ngày. Ước tính bình quân, mỗi năm nhập lậu 70.000-100.000 tấn gà đẻ loại thải vào Việt Nam. Về con giống, ước tính mỗi năm nhập lậu vào nước ta khoảng 15-30 triệu con giống thương phẩm các loại.

Ông Trọng khẳng định, động vật nhập lậu qua biên giới không được kiểm dịch là nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh cúm gia câm. Từ năm 2003, các xét nghiệm đã cho thấy nhiều mẫu vi-rút cúm gia cầm ở Việt Nam tương đồng với các mẫu vi-rút cúm gia cầm của Trung Quốc. Ngoài ra, việc nhập lậu còn ảnh hưởng tiêu cực tới giá sản phẩm chăn nuôi trong nước, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Việc nhập lậu ĐV, SPĐV chủ yếu diễn ra qua các đường mòn, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu. Hình thức chủ yếu là thuê các cá nhân vận chuyển nhỏ lẻ, sau đó thu gom tại các đầu mối để vận chuyển sâu vào trong nội địa. Thời gian vận chuyển lậu chủ yếu là vào ban đêm theo các trục đường vắng, gây khó khăn cho việc kiểm soát, bắt giữ và xử lý.

Đối với gia cầm sống (gia cầm giống, gà loại thải): nhiều trường hợp được đưa về tập kết tại một số tỉnh sâu trong nội địa như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên nuôi tiếp sau đó mới vận chuyển tới các địa phương khác để tiêu thụ, khi đó rất khó để xác định nguồn gốc của gia cầm. Đối với SPĐV (nội tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm, trứng gia cầm) được vận chuyển trên xe khách hoặc để lẫn với các loại hàng hóa khác gây khó khăn cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

Nguyên nhân của gia tăng tình trạng nhập lậu gia cầm theo Bộ NN–PTNT, là do các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn.... nên các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng các yếu tố này. Trong khi đó, người thi hành công vụ lại gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện kiểm tra, phòng chống, bắt giữ buôn lậu. Bên cạnh đó, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân gia tăng tình trạng nhập lậu động vật, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Nhiều đại biểu cho rằng, phải tăng mức xử phạt bởi mức xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe, đồng thời phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của động vật nhập lậu, nhất là gà loại thải. Nếu nhu cầu giảm tất yếu cung sẽ giảm theo.

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ NN-PTNT cho thành lập thêm các trạm, chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ 1,3, 10, 18, 39, kiểm tra 24/24. Các tỉnh có chợ đầu mối lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch tại các chốt kiểm sịch và kiểm tra hàng ngày gia cầm nhập lậu vào chợ và các chợ đầu mối. Kiên quyết xử lý, tịch thu, tiêu hủy hàng nhập lậu. Đồng thời tổ chức các đội liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc buôn bàn nhập lậu ĐV, SPĐV.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: Để ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới phải có sự phối hợp giữa các ngành thú y, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan. Công việc này phải được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đặc biệt phải phải phát huy tinh thần trách nhiệm và chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có giải pháp xử lý. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu, đừng vì lợi ích của một nhóm nhỏ ảnh hưởng tới nền chăn nuôi của cả nước và sức khỏe của đại bộ phận người dân...

N.Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhap-lau-dong-vat-qua-bien-gioi-van-dien-bien-rat-phuc-tap/