Nhập khẩu phế liệu: Phải đáp ứng yêu cầu môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Trong đó, Điều 55 của Nghị định có sửa đổi, bổ sung quy định về nhập khẩu (NK) phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Nhằm siết chặt quản lý NK phế liệu, tháng 10/2018, hai Thông tư 08 và 09/2018/TT-BTNMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành có hiệu lực. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thực hiện, nhiều ý kiến phản ánh hai thông tư này gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Và thực tế, trước Tết nguyên đán 2019 có rất nhiều lô hàng phế liệu NK bị tồn đọng, chậm thông quan, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN). Trước tình trạng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc thị sát tại cảng Hải Phòng và chỉ đạo bãi bỏ quy định của Thông tư 08, 09 liên quan đến thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành.

Kiểm tra phế liệu nhập khẩu

Kiểm tra phế liệu nhập khẩu

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư 08, 09 như: Ngưng Quy định trách nhiệm kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu NK của cơ quan kiểm tra Sở TN&MT - nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu NK tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu NK…; Quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu NK, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu NK không phù hợp quy chuẩn...

Kiểm soát chặt chẽ

Do tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của con người, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo quy định mới, phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân NK phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa NK, hoặc cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu NK; được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu NK tại cửa khẩu nhập, hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu NK, tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu NK.

Phế liệu NK chỉ được phép dỡ xuống cảng khi: Tổ chức, cá nhân nhận hàng có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu NK; có văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu NK đối với phế liệu ghi trên E-Manifest. Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện trên trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.

Nghị định 40 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng chặt chẽ hơn, như: Điều kiện về kho bãi hoặc lưu giữ phế liệu NK; có công nghệ tái chế, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; ký quỹ bảo đảm phế liệu NK theo quy định…

Từ ngày 1/1/2025, cơ sở sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất chỉ được NK phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế. Số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhap-khau-phe-lieu-phai-dap-ung-yeu-cau-moi-truong-119999.html