Nhanh chóng kết thúc điều tra các tờ khai tạm nhập tái xuất vi phạm

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý tình trạng tồn đọng thanh khoản tờ khai kinh doanh tạm nhập tái xuất từ năm 2013 trở về trước.

Ảnh minh họa. Hàng hóa XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: N.Linh

Đối với các tờ khai thuộc vụ án điều tra của cơ quan công an, Tổng cục yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố có văn bản gửi cơ quan điều tra đề nghị thông báo kết quả điều tra hoặc khẩn trương có kết quả điều tra để cơ quan Hải quan có cơ sở thực hiện thanh khoản các tờ khai tạm nhập.

Các tờ khai đang được Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu điều tra xác minh cần khẩn trương kết thúc đều tra trước ngày 30/10/2018.

Đối với các tờ khai đã có cơ sở xác định hàng hóa XK ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (bao gồm trường hợp DN chưa nộp hồ sơ thanh khoản hoặc đã nộp hồ sơ thanh khoản nhưng hồ sơ thanh khoản chưa đáp ứng quy định do thiếu chứng từ thanh toán hoặc chứng từ thanh toán không hợp lệ), Tổng cục yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, phân loại để xử lý.

Cụ thể, đối với tờ khai của các DN còn hoạt động, các đơn vị tiếp tục thông báo, đôn đốc các DN đến để thực hiện thanh khoản và xử lý vi phạm đối vơi DN chậm nộp hồ sơ thanh khoản.

Đối với các DN đã giải thể, phá sản, bỏ trốn, mất tích, các đơn vị thực hiện thanh khoản đối với các tờ khai đã có cơ sở xác định hàng hóa XK (nhưng DN không đến thanh khoản) ghi nhận lên hồ sơ và đưa vào lưu trữ.

Đối với các tờ khai không có cơ sở xác định hàng hóa XK của các DN còn hoạt động, các đơn vị rà soát đánh giá các biện pháp đã áp dụng nếu không có hiệu quả thì có văn bản chuyển cơ quan điều tra.

Đối với các tờ khai chưa có cơ sở xác định hàng hóa XK của các DN hiện không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký (mất tích) hoặc đã ngừng hoạt động (giải thể, phá sản), các đơn vị tiếp tục áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn tại văn bản 1517/TCHQ-GSQL ngày 10/3/2017, đồng thời đánh giá các biện pháp áp dụng nếu không có hiệu quả thì chuyển cơ quan điều tra.

Liên quan đến vấn đề này, từ cuối năm 2012, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất tương đối ổn định, đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn tình trạng tồn đọng thanh khoản đối với các tờ khai tạm nhập tái xuất trước thời điểm trên.

Để giải quyết tình trạng trên, năm 2017, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản (công văn 4228/BTC-TCHQ ngày 30/3/2017, công văn 1517/TCHQ-GSQL) hướng dẫn xử lý. Đến nay, Tổng cục Hải quan tiếp tục có văn bản để hướng dẫn xử lý.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhanh-chong-ket-thuc-dieu-tra-cac-to-khai-tam-nhap-tai-xuat-vi-pham.aspx