Nhẫn

Không định bàn về chữ 'Nhẫn' trong giáo lí nhà Phật đâu. Chữ này mỗi người có một cách bàn và hình như hơi khó hiểu. Vài ông quan ngày nay đua đòi chơi chữ Hán trong nhà còn treo cả hai chữ đối diện với nhau. Một bên là chữ 'Nhẫn' bên kia là chữ 'Tâm'. Đành rằng có hai chữ 'Nhẫn' viết khác nhau nhưng nôm na tiếng Việt ra thì ai cũng hiểu theo nghĩa rất tệ.

Chiếc nhẫn là vật trang sức của nhân loại có đến nhiều nghìn năm tuổi. Ngay người Việt cổ đại cách chúng ta gần 4.000 năm đã dùng nhẫn làm vật trang sức. Có thể tìm thấy trong những di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên hoặc hậu kỳ đồ đá mới. Dĩ nhiên chúng được chế tác bằng đá hoặc thủy tinh thiên nhiên hình thành sau những đợt phun trào núi lửa. Tưởng chỉ đơn giản là một chiếc vòng nhỏ lồng vào ngón tay mà không phải thế. Hàng nghìn năm người ta vẫn không ngừng sáng tạo trên những chiếc khoen lồng ngón tay như vậy. Và có vẻ như không bao giờ chấm dứt.

Không chỉ tìm cách sáng tạo ra hình thức mới, người Việt từ xưa cũng theo kịp nhân loại trong việc tìm kiếm vật liệu để tạo tác nhẫn. Từ những vật liệu quý nhất như kim cương, ruby cho đến vàng bạc. Từ những vật liệu rẻ tiền như đồng, nhôm cho đến gỗ, gáo dừa, tre nứa. Chiếc nhẫn với nhiều người còn mang những ý nghĩa đặc biệt về tính cách, sở thích và dĩ nhiên là tài sản.

Người Hà Nội có những thợ kim hoàn của riêng mình. Họ có phong cách và dấu ấn trong những món đồ tạo tác đặc sắc. Làng nghề Định Công cách trung tâm thủ đô chỉ chừng 7km là nơi có truyền thống làm nghề vàng bạc đã hàng nghìn năm. Sử Trung Hoa còn chép lại vào thời thái thú Sĩ Nhiếp còn cai trị xứ Giao Chỉ 187 - 226 sau Công nguyên. Ông đã cho chuyển về Trung Hoa rất nhiều đồ vàng bạc do người thợ Giao Chỉ chế tác.

Hà Nội những năm mới tiếp quản còn thấy khá nhiều các bà, các cô đeo những chiếc nhẫn vàng ta mặt ngọc được chế tác hoa lá rất cầu kỳ. Những ngày lễ tết hoặc cưới hỏi thường đóng bộ áo dài và đeo khá nhiều trang sức. Vòng cổ ngọc trai, vòng tay ngọc bích, khuyên tai vàng gắn ngọc và tất nhiên nhẫn vàng không chỉ một cái. Đàn ông cũng vài người còn đeo những chiếc nhẫn vàng to sụ mặt vuông chạm hình chữ “Phúc”, chữ “Thọ”. Những đồ trang sức này còn thông dụng cho đến những năm chiến tranh ác liệt lan rộng ra miền Bắc mới tạm lắng xuống. Lúc này chẳng ai bảo ai người ta cũng tự giác cất đi những đồ vật trang sức xa hoa đắt tiền. Nhiều gia đình đi sơ tán ở nông thôn cũng dần dà phải bán đi những chiếc nhẫn quý của mình để trang trải cho cuộc sống hết sức khó khăn.

Những tháng năm chiến tranh gian khổ ấy nghề kim hoàn hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Hàng vàng bạc tư nhân chủ yếu đánh nhẫn vàng thành một đơn vị đo lường có tính trao đổi nhiều hơn. Chiếc nhẫn chỉ còn được gọi tên theo cân lạng 5lai, 1 đồng cân, hai đồng cân... Những cửa hàng vàng bạc nhà nước chế tác ra những chiếc nhẫn cưới nửa đồng cân vàng tây bày bán tự do.

Tất nhiên số người mua được cặp nhẫn cưới vàng tây ấy cũng không nhiều. Chiếc nhẫn có giá trị vào khoảng bốn tháng lương của một công chức trung bình. Nhẫn vàng tây non tuổi đỏ cạch như dây đồng 1li có một cạnh được mài phẳng làm mặt nhẫn. Thế đã là rất sang trọng không chỉ về mặt thẩm mĩ mà còn như ngầm thông báo với chúng bạn độ vững vàng về kinh tế của mình. Nhiều người đeo nó hàng chục năm đến mức khi muốn tháo nó ra là cả một công việc gian nan vất vả.

Những ai đeo chiếc nhẫn vàng ta một đồng cân thì đã được coi là giàu có thật sự dù nó chẳng đẹp đẽ gì. Chỉ là một vòng vàng có tiết diện bán nguyệt mà thôi. Nhưng rõ ràng là hơn chán những nhẫn nhôm làm bằng xác máy bay hoặc nhẫn gỗ làm bằng vỏ gáo dừa bán đầy ở cửa hàng mỹ nghệ trên phố. Và dân phố trải qua giai đoạn khó khăn ấy cũng dần quên mất ý nghĩa của việc đeo nhẫn theo phong thủy, tuổi tác...

Từ ngày nền kinh tế thị trường mở cửa, hoạt động kim hoàn lại trở nên tấp nập. Không chỉ những chiếc nhẫn cầu kỳ được thợ kim hoàn trên phố làm ra mà còn có cả một số lượng lớn đồ kim hoàn nhập ngoại. Dân phố cũng nhanh chóng nhận ra đeo những chiếc nhẫn trên tay hóa ra lại là thứ trang sức an toàn nhất. Chị em ở phố ai ai cũng phải có vài chiếc yêu thích của mình. Dân chơi có thể sắm đến hàng vài chục chiếc để thay đổi theo màu trang phục. Những đàn ông bóng bẩy cũng thường sắm những chiếc nhẫn đắt tiền làm trang sức. Vài ông còn chọn màu nhẫn theo phong thủy và tuổi tác. Họ tin chiếc nhẫn có thể là ông thần hộ mệnh của mình để tránh tai ương.

Chiếc nhẫn hiện đại không còn dùng nhiều vàng ta như trước nữa. Người ta dùng bạch kim hoặc vàng tây có độ cứng cao hơn và màu sắc phù hợp hơn với các loại đá quí thêm vào. Nhẫn cưới chú rể trao cho cô dâu ngày cưới thường làm bằng bạch kim gắn kim cương sáng chói. Dù đắt tiền như thế nhưng hình như chiếc nhẫn đã không làm cho tuổi thọ của các cuộc hôn nhân bây giờ tăng lên mà ngược lại. Chẳng hiểu vì sao?

Giờ cũng không ai gọi đơn vị đo lường vàng bạc bằng chữ “lạng, đồng cân” như trước nữa. Cả nước thống nhất gọi là “cây” và “chỉ” dù chẳng có quy định nào như vậy. Nhưng chữ “cây, chỉ” đọc lên nghe nó cứ nông nổi chộp giật thế nào!

9.2018

đỗ phấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/nhan-628329.ldo