Nhận xét, gợi ý giải đề: Đề Ngữ văn hướng học sinh trân trọng cuộc sống mỗi ngày

Sáng nay, thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn, cũng là môn thi bằng hình thức tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của giáo viên, đề thi vừa sức, có độ phân hóa với thí sinh.

Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội): Đề thi vừa cơ bản vừa có độ phân hóa

Đề thi Ngữ Văn theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa cơ bản vừa có độ phân hóa.

Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu đề ra khá hay, đề cập đến vấn đề tư tưởng đạo lí có ý nghĩa với các em học sinh, đó là sống hết mình cho hiện tại qua cách diễn đạt giàu hình ảnh, tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức.

Các câu hỏi được sắp xếp theo đúng các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu 4 học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình về vấn đề sống hết mình cho hiện tại để có thêm niềm tin ở tương lai. Đây là một vấn đề rất thiết thực để giúp học sinh biết trân trọng và phát huy hơn những gì các em đang có.

Phần nghị luận xã hội câu hỏi rất sáng rõ, bám sát phần đọc hiểu. Học sinh phải nêu được sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày bởi lẽ được sinh ra, được sống là điều đáng quý nhất.

Phần nghị luận văn học: Văn bản Đất Nước rất quen thuộc và nằm trong kiến thức trọng tâm ôn tập. Về dung lượng đoạn trích đề ra hơi dài, đòi hỏi học sinh vận dụng hết các kĩ năng cảm nhận, phân tích, bình luận,…

Cái hay của đề Văn năm nay là nội dung của các phần từ Đọc hiểu đến Làm văn đều khơi dậy ở các em học sinh ý thức được sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với chính mình và với cả xã hội. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải đối diện khó khăn do dịch bệnh thì đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc.

Với đề thi này, phổ điểm của học sinh tầm từ 6-7.

Cô giáo Vũ Thị Bình, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Đề Văn phù hợp với thực tế
Cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay không thay đổi so với kỳ thi THPT Quốc gia 2019, bám sát đề thi minh họa lần 2 năm 2020. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản sau khi điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch CCOVID-19.

Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh.
Cụ thể, phần đọc hiểu hay, tư liệu gọn, thiết thực. Các câu hỏi tường minh, học sinh dễ trả lời để đáp ứng yêu cầu của đề. Phần này có 3 câu đầu là câu hỏi nhận biết, câu 4 là câu vận dụng.

Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ “trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Phần này có ý nghĩa định hướng tư tưởng đúng đắn cho thanh niên trong tình hình thực tế. Đây chính là câu hỏi vận dụng cao.

Câu nghị luận văn học, đề ra vào “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn trích “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, có trích dẫn đoạn thơ cụ thể. Ngữ liệu tuy hơi dài nhưng nội dung này rất hay và thiết thực, hầu hết học sinh đều có thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Với những học sinh khá giỏi sẽ có “đất” để các em “dụng võ” ở những phần nâng cao khi bàn luận sâu hơn về “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân”.

Ý nghĩa thực tế của đề thi: Đề bài rất phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cao về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, đề cao vai trò của nhân dân với đất nước.

Dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 – 7 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Cô giáo Nguyễn Bảo Nhung, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa (Hà Nội): Đề thi hay, vừa sức học sinh

Đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hay, vừa sức, phù hợp với khung kiến thức của Bộ GDĐT, đáp ứng chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn Ngữ Văn. Đặc biệt, đề đã tạo ra tâm lý thoải mái, phấn khởi, tạo sự tự tin cho thí sinh ở những môn thi tiếp theo.

Về cấu trúc đề thi, đề đã bám sát với chương trình đề minh họa của Bộ GDĐT đã công bố trước đó. Trong đề thi cũng có mức độ phân hóa ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học.

Ở phần đọc hiểu, đề bám sát với ma trận đề với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đặc biệt đã khơi dậy sự sáng tạo của học sinh trong sự nhận biết đối với giá trị sống của sự vật và con người qua văn bản (Trích Cách sống; từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo - NXB Lao động, 2020, tr, 103-104).

Phần nghị luận xã hội bàn về: “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” giúp cho học sinh mạnh dạn đưa ra được quan điểm ý kiến của cá nhân để bàn luận, học sinh không những thể hiện được cách nhìn nhận đánh giá về cuộc sống mà còn nhận thức được con người phải sống “hết mình cho hiện tại” dù nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong vai trò tạo dựng xây đắp sự sống ngày mai.

Bên cạnh đó, học sinh ý thức được trách nhiệm và thái độ trân trọng nâng niu cuộc sống và vai trò của cá nhân mình từ những việc làm nhỏ đến những việc làm có ý nghĩa lớn lao, hơn cả là chúng ta cần có tinh thần lạc quan vượt qua gian khó, chạm tới thành công.

Ở câu hỏi này học sinh sẽ vận dụng hết được kĩ năng hiểu biết về cuộc sống và xã hội để khai thác đề.

Phần nghị luận văn học: Yêu cầu của đề phù hợp với kiến thức Ngữ văn 12, không bất ngờ nhưng ngược lại hoàn toàn có thể phân hóa được đối tượng học sinh qua việc vận dụng kiến thức hiểu biết về tác phẩm, về lý luận văn học và các kĩ năng làm bài.

Bên cạnh đó đề sẽ phát huy được tính sáng tạo của học sinh trong việc thể hiện sự hiểu biết kiến thức về tác phẩm, tác giả. Đặc biệt thức dậy trong học sinh tình yêu đối với đất nước, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã anh dũng và hy sinh bảo vệ nền hòa bình độc lập dân tộc, cũng như ý thức trách nhiệm, vai trò của thế hệ hôm nay với việc sống, học tập, cống hiến cho tổ quốc ngày mai.

Cô Phạm Thị Thu Phương – GV môn Ngữ Văn hệ thống tuyensinh 247cho rằng: Đề Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 (09/08/2020) giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Phần nội dung nâng cao đã được lược bớt so với đề thi chính thức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (rõ nhất là câu nghị luận văn học - phần Làm văn). Phần nội dung kiến thức cũng đã được giảm tải theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 30/3/2020.

II. Phân tích cấu trúc đề thi chính thức 2020 và so sánh với đề tham khảo lần 2 năm 2020
Cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2020 cũng tương tự như đề tham khảo lần 2 năm 2020 mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020.

Cấu trúc đề gồm 2 phần:

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Đề cung cấp 01 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1- Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích; câu 2- Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực sinh trưởng như thế nào giữa mùa hè ngắn ngủi?) đến thông hiểu (câu 3- Chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích), rồi đến vận dụng (câu 4- Anh/chị có đồng tình với nhận định của tác giả “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”? Vì sao?). Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Phần II: Làm văn (7 điểm)
Phần II gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng

- Câu 1 đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về ý kiến trân trọng cuộc sống mỗi ngày, phân tích được những ý nghĩa lớn lao khi trân trọng cuộc sống mỗi ngày, biết phê phán những biểu hiện trái ngược, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

- Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn trích Đất Nước, có cung cấp sẵn văn bản đoạn trích, có định hướng về nội dung phân tích. Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu nội dung cốt lõi của đoạn trích- tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Học sinh cần tập trung làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân dân thể hiện trên phương diện lịch sử và văn hóa. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này.

Nhìn chung, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 9/8/2020 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

Nghiêm Huê-Thu Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nhan-xet-goi-y-giai-de-de-ngu-van-huong-hoc-sinh-tran-trong-cuoc-song-moi-ngay-1702548.tpo